Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất máy tính cá nhân lớn của thế giới vào năm 2030
Viện nghiên cứu MIC nhận định, khu vực Đông Nam Á sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất máy tính cá nhân toàn cầu.
Cũng theo Viện nghiên cứu Market Intelligence & Consulting Institute (MIC), ước tính tỷ lệ thị phần của Trung Quốc trong tổng quy mô hoạt động sản xuất máy tính cá nhân toàn cầu sẽ giảm từ 90% xuống còn 40% vào năm 2030.
Năm 2019, tổng số máy tính cá nhân sản xuất ra trên toàn cầu ước tính khoảng 160 triệu chiếc. Trung Quốc sản xuất khoảng 90% trong số này, phần lớn hoạt động sản xuất chịu sự giám sát của các công ty Đài Loan. Đông Nam Á chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng quy mô sản xuất máy tính cá nhân toàn cầu.
Trích dẫn trên tờ Nikkei, đến năm 2030, Đông Nam Á sẽ sản xuất khoảng một nửa máy tính cá nhân được sử dụng trên khắp thế giới. Trong đó, Việt Nam và Thái Lan sẽ trở thành 2 trung tâm sản xuất chủ chốt.
Đến năm 2030, Đông Nam Á sẽ sản xuất khoảng một nửa máy tính cá nhân được sử dụng trên khắp thế giới.
Theo lý giải của Viện nghiên cứu MIC, chi phí lao động tăng cao tại Trung Quốc cũng như việc nhiều doanh nghiệp muốn đa dạng hóa địa điểm sản xuất, dự kiến sẽ khiến hoạt động đầu tư sản xuất máy tính cá nhân tại Đông Nam Á ngày một nhiều hơn. Có thể lấy ví dụ công ty Wistron của Đài Loan sẽ sản xuất máy tính cá nhân dưới sự ủy quyền của thương hiệu Mỹ tại Việt Nam.
Một số công ty máy tính Đài Loan khác như Compal Electronics đang cân nhắc mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Công ty Quanta Computer, công ty sản xuất máy tính cá nhân theo hợp đồng lớn thứ 3 thế giới, dự kiến sẽ sản xuất máy tính cá nhân tại Thái Lan.
Công ty Hon Hai Precision Industry hay còn được biết đến với cái tên Foxconn, hiện đang giữ vị trí nhà sản xuất các sản phẩm điện tử lớn nhất thế giới, nhiều khả năng sẽ sản xuất máy tính cá nhân tại Việt Nam.
Dự kiến, số lượng máy tính cá nhân sản xuất ra trong năm nay sẽ tăng 6% lên 170 triệu chiếc. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu giao tiếp và học tập từ xa tăng lên, đồng thời cũng khiến cho nhu cầu tìm hiểu kiến thức dựa trên nền tảng của Google tăng cao hơn.
Minh Thùy (T/h)