Năm bết bát của các tiểu gia di động

17:31, 03/01/2013

EVN Telecom về với Viettel sau thời gian dài kinh doanh thua lỗ; S-Fone bên bờ phá sản; Beeline cũng chật vật khi đối tác ngoại rút vốn; trong khi Vietnamobile hoạt động khá mờ nhạt suốt cả năm

Cuối năm 2011, Viettel được Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp nhận mạng di động EVN Telecom, bỏ qua lời đề nghị mua lại một phần doanh nghiệp này của hai đơn vị khác là Vietnamobile và VTC. Có nhiều khác biệt về chính sách cũng như cách vận hành giữa hai doanh nghiệp, nhưng việc sáp nhập được tiến hành khá nhanh chóng. Từ 28/12/2011, Viettel đã thực hiện hỗ trợ khách hàng của EVN Telecom chuyển mạng.

S-Fone là điển hình khó khăn của viễn thông di động Việt Nam trong năm 2012

Sau gần một năm, đến ngày 1/12/2012, Viettel thông báo ngừng hỗ trợ chuyển đổi thuê bao giữa hai mạng. Từ thời điểm này, các sim EVN Telecom chưa đổi sang Viettel sẽ bị ngừng hoạt động, số thuê bao đi kèm sẽ bị thu hồi về kho và tái sử dụng. Đây có thể xem là thời điểm chấm dứt hoàn toàn cho cái tên EVN Telecom trên thị trường viễn thông Việt Nam.

Sự ra đi của EVN Telecom khiến S-Fone càng thêm đơn độc trên nền mạng CDMA tại Việt Nam.

S-Fone đặt chân vào Việt Nam từ tháng 7/2003, phá vỡ thế độc quyền viễn thông di động lúc bấy giờ, đồng thời là nhà cung cấp dịch vụ 3G đầu tiên. S-Fone cũng là người đi tiên phong phát triển nền mạng CDMA tại Việt Nam. Sau 9 năm hoạt động, năm 2012 là quãng thời gian đen tối nhất của hãng.

Kinh doanh không như mong đợi khiến đối tác SK Telecom của Hàn Quốc rút vốn, SPT (là đối tác phía Việt Nam) một mình cáng đáng mạng S-Fone. Thiếu vốn đầu tư, thuê bao ít ỏi, chất lượng mạng không tốt khiến S-Fone ngày càng đi xuống. Tháng 7/2012, hàng loạt nhân viên của mạng này bị mất việc với lý do công ty chuyển mô hình lao động.

Những ngày cuối năm, nhân viên S-Fone chi nhánh miền Bắc đã đến trụ sở công ty tại số 11 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) để tìm gặp lãnh đạo nhằm giải quyết các vấn đề về nợ lương và trợ cấp thời gian dài. Tuy nhiên, việc cũng chẳng được giải quyết triệt để và đại diện S-Fone miền Bắc phải thừa nhận công ty mất khả năng chi trả, văn phòng bị niêm phong do thiếu tiền nhà, điện nước. Trạm phát sóng duy nhất còn sót lại ở Hà Nội cũng đã bị ngắt điện.

Beeline cũng là một ví dụ cho thất bại của các mạng di động nhỏ trong năm. Đây là thương hiệu chung của Tập đoàn VimpelCom (của Nga) và Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Truyền dẫn và dịch vụ hạ tầng Gtel. Mặc dù có giá cước tốt, Beeline vẫn khó phát triển thuê bao, yếu thế trong cạnh tranh. Sau 3 năm hoạt động, doanh nghiệp Nga bán lại toàn bộ cổ phần và vốn đầu tư trị giá 500 triệu USD cho đối tác Việt với giá chỉ 45 triệu USD. 

Không giống như S-Fone "đuối sức" sau khi SK Telecom bỏ đi, Beeline vắng VimpelCom vẫn tìm cách đi tiếp. Tháng 9/2012, Gtel Mobile chính thức bỏ thương hiệu Beeline với biểu tượng chú gà và hai màu vàng, đen, thay vào đó là tên nhà mạng Gmobile mới, thừa kế những gì mà thương hiệu cũ có được. 

Tự thay đổi chính mình, và vẫn trung thành với hướng đi tung ra các gói cước khuyến mại "khủng", nhưng theo Gmobile vẫn đang gặp khó vì thị phần đang nằm trong tay 3 "ông lớn" Viettel, Vinaphone và Mobifone. Hiện Gmobile vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép từ vốn đầu tư và thị trường.


Thị trường viễn thông năm qua cho thấy cục diện không có sự thay đổi nào đáng kể so với trước, các doanh nghiệp lớn vẫn phát triển ổn định với doanh số lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, những đơn vị nhỏ phải vất vả "vượt sóng", cũng là một phần tác động của tình hình kinh tế chung.

Số liệu được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố trong Sách trắng 2012 (tính trên doanh thu của doanh nghiệp). 

Lãnh đạo Cục Viễn thông nhận định áp lực cạnh tranh ngày một lớn buộc một số doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường. Nhưng Cục vẫn bảo lưu quan điểm cần duy trì ít nhất 3 doanh nghiệp tương đương trên thị trường, những doanh nghiệp cạnh tranh được sẽ tồn tại. Theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đề ra là phát triển bền vững thị trường viễn thông, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Hiện có 6 mạng di động tại Việt Nam, trong đó có 3 mạng nhỏ là Vietnamobile, Gmobile và S-Fone, nhưng xem như chỉ còn 2 mạng nhỏ đang phải cạnh tranh với 3 mạng lớn Viettel, Vinaphone và Mobifone. Thuê bao S-Fone đã mất liên lạc nhiều tháng nay, và nếu không có "điều kỳ diệu" xảy ra, rất có thể S-Fone phải rút lui khỏi thị trường trong năm 2013, đánh dấu sự ra đi của nhà mạng CDMA đầu tiên và cuối cùng của Việt Nam hiện nay.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 12/2012, cả nước có khoảng 121,7 triệu thuê bao di động. Báo cáo mới nhất của Viettel cho biết nhà mạng có gần 58,9 triệu thuê bao. Hai mạng Vinaphone và Mobifone ước tính có gần 70 triệu thuê bao. Hai mạng Gmobile và Vietnamobile có hơn 10 triệu thuê bao. Tốc độ tăng trưởng của 3 mạng lớn 6 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 1%, trong khi đó mạng nhỏ Gmobile tăng trưởng 1,42% (theo báo cáo của Cục Viễn thông)

Theo Vnexpress.net