Năm đột phá của công nghệ sinh trắc học, tương lai thanh toán bằng khuôn mặt không còn xa
Các tùy chọn thanh toán sinh trắc học đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết tại Hoa Kỳ, chẳng hạn như Apple Face ID cho phép mua ứng dụng hay Amazon giới thiệu công nghệ thanh toán bằng lòng bàn tay ở một số cửa hàng. Nhiều tổ chức tài chính từ JPMorgan đến Mastercard đang nắm bắt công nghệ này…
Nhiều cửa hàng trên toàn thế giới đã áp dụng hình thức thanh toán bằng khuôn mặt.
Chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh tự động CaliExpress by Flippy tại Pasadena (California, Hoa Kỳ) khai trương đầu năm nay thu hút sự chú ý của công chúng nhờ đội ngũ chế biến burger (bánh mì kẹp thịt) hoàn toàn là robot. Chưa dừng lại ở đó, nhà hàng tiếp tục mang tới cải tiến mới: giờ đây khách hàng có thể trả tiền cho bữa ăn bằng hình thức xác thực khuôn mặt, theo CNBC.
CaliExpress sử dụng hệ thống thanh toán từ công ty công nghệ nhận dạng khuôn mặt PopID. Để kích hoạt tài khoản, người dùng chỉ cần đăng ký thông qua một bức ảnh selfie. Sau đó, họ có thể chọn phương thức thanh toán xác minh khuôn mặt của PopID và hoàn tất giao dịch.
Đây không phải chuỗi thức ăn nhanh duy nhất sử dụng công nghệ mới nổi này. Vào tháng 1 năm nay, Steak 'N Shake, nhà hàng beefsteak tại Midwest (Hoa Kỳ) đã bắt đầu lắp đặt một số ki-ốt nhận dạng khuôn mặt trên khắp 300 cơ sở để khách hàng tự check-in. Steak 'N Shake đánh giá phương thức check-in bằng PopID chỉ mất từ 2 - 3 giây, trong khi quét mã QR hoặc đăng nhập ứng dụng di động có thể mất tới 20 giây.
NHIỀU ĐẠI GIA SẴN SÀNG THỬ NGHIỆM CÔNG NGHỆ THANH TOÁN SINH TRẮC HỌC
Rõ ràng, tùy chọn thanh toán sinh trắc học ngày càng trở nên phổ biến. Năm 2020, Amazon chính thức giới thiệu công nghệ thanh toán bằng lòng bàn tay. Mặc dù mô hình cửa hàng không thu ngân gặp vô vàn khó khăn trong quá trình thử nghiệm nhưng công nghệ này vẫn được tích hợp thành công tại 500 chi nhánh Whole Foods vào năm ngoái.
Mastercard, đối tác quan trọng của PopID, đã triển khai thí điểm thanh toán xác thực khuôn mặt ở Brazil vào năm 2022. Thử nghiệm cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan. Theo đó, 76% người tham gia thí điểm khẳng định sẽ giới thiệu công nghệ mới cho bạn bè và người thân. Cuối năm ngoái, Mastercard công bố hợp tác với NEC nhằm đưa Chương trình Thanh toán Sinh trắc học đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
"Tập trung phát triển sinh trắc học trở thành phương thức an toàn để xác minh danh tính, thay thế mật khẩu là trọng tâm nỗ lực của chúng tôi trong lĩnh vực", ông Dennis Gamiello, Phó Chủ tịch Điều hành Sản phẩm Nhận dạng và Đổi mới Mastercard, khẳng định. Dựa trên phản hồi tích cực từ quá trình thí điểm và nghiên cứu sản phẩm, ông tuyên bố công ty sẽ mang công nghệ thanh toán khuôn mặt sang nhiều thị trường mới vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, một số cửa hàng triển khai công nghệ sinh trắc học phục vụ mục đích khác nhau từ xác nhận thanh toán, hệ thống chống trộm, v.v. đã vấp phải ý kiến phản đối từ người tiêu dùng và các vụ kiện có xu hướng gia tăng. Vào tháng 3 vừa qua, một người phụ nữ đến từ Illinois đã kiện nhà bán lẻ Target với cáo buộc thu thập, lưu trữ bất hợp pháp dữ liệu sinh trắc học của cô và nhiều khách hàng khác thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt mà không được sự cho phép. Amazon và T-Mobile cũng đang đối mặt với một số cáo buộc pháp lý liên quan đến công nghệ sinh trắc học.
Ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, hệ thống thanh toán sinh trắc học được đánh giá là tương đối hoàn thiện. Gã khổng lồ thanh toán Trung Quốc AliPay cho ra mắt tùy chọn thanh toán sinh trắc học từ năm 2015 và bắt đầu thử nghiệm công nghệ tại đa số điểm bán KFC trên toàn quốc vào năm 2018.
Alipay sở hữu hệ sinh thái thanh toán sinh trắc học khá hoàn thiện.
NÂNG CAO TRẢI NGHIỆM NGƯỜI DÙNG
Ông John Miller, Giám đốc Điều hành PopID, lạc quan về năm "đột phá" của công nghệ thanh toán xác thực khuôn mặt. Bởi mới đây, công ty vừa đạt được thỏa thuận với đại gia ngành dịch vụ tài chính JPMorgan, đánh dấu bước tiến không ngừng tại thị trường Hoa Kỳ.
Hầu hết doanh nghiệp ngành F&B đều mong muốn người mua đăng ký tham gia chương trình khách hàng thân thiết và tích điểm thưởng. Điều đó đồng nghĩa với việc khách hàng phải rút điện thoại ra, mở ứng dụng, tìm liên kết đến mã QR và đưa mã cho nhân viên thu ngân quét tại quầy. Còn khi thanh toán, người tiêu dùng thường lựa chọn giữa việc rút ví và quẹt thẻ tín dụng hay rút điện thoại, mở Face ID và quét mã. CEO Miller cho biết PopID có thể đơn giản hóa quá trình bằng cách giúp khách hàng thanh toán chỉ với một lần nhấn nút duy nhất trên màn hình, sau đó nhìn nhanh vào camera để xác nhận và thanh toán.
Hiện nay, khách hàng thường có hai lựa chọn thanh toán phổ biến: quét mã và quẹt thẻ.
"Chúng tôi tin rằng quan hệ đối tác giữa công ty và JPMorgan là bước ngoặt, tạo tiền đề cho hình thức thanh toán sinh trắc học bởi đây là lần đầu tiên một công ty tài chính hàng đầu chấp nhận thanh toán khuôn mặt ở quy mô toàn bộ khách hàng", vị Giám đốc bày tỏ. "JPMorgan là bảo chứng cho sự uy tín và chắc chắn cả người bán lẫn người tiêu dùng đều mong muốn sớm áp dụng phương pháp thanh toán này".
XU HƯỚNG THANH TOÁN SINH TRẮC HỌC HIỆN NAY
Rõ ràng, khách hàng ngày càng ưa chuộng thanh toán sinh trắc học. Phần lớn vẫn thích quét vân tay hơn nhận dạng khuôn mặt, theo khảo sát năm 2023 từ PYMENTS. Tuổi tác là yếu tố then chốt khi chuyển đổi phương thức trả tiền. Người tiêu dùng Gen Z cởi mở hơn với nhận dạng khuôn mặt, họ ít khi quét vân tay hoặc nhập mật khẩu.
Juniper Research dự báo tăng trưởng thị trường hơn 100% đối với công nghệ thanh toán sinh trắc học toàn cầu từ năm 2024 đến năm 2028, và đến năm 2035, tổng giao dịch thông qua phương thức này có thể lên tới 3 nghìn tỷ USD.
Chắc chắn, mối quan tâm về bảo mật và hack dữ liệu sinh trắc học vẫn đang được thảo luận, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo VnEconomy