"Né" chốt, karaoke mở chui, tin giả, kích động… - những hành vi đáng lên án trong mùa dịch
Bên cạnh nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân, vẫn còn rất nhiều người thiếu ý thức, vô trách nhiệm với cộng đồng, thậm chí là trục lợi từ dịch bệnh.
Tình trạng vi phạm phòng chống dịch dày hơn, nhiều kiểu loại, căng thẳng
Những ngày qua, số ca COVID-19 liên tục tăng cao ở mức 4 con số mỗi ngày đang tạo áp lực rất lớn cho nguồn lực và vật lực điều trị bệnh. Chiến lược điều trị cách ly phải thay đổi, y bác sĩ làm việc bằng 2 bằng 3, các nhà máy phải gồng mình để không đứt gãy sản xuất, người dân cả nước chắt chiu từng mớ rau, con cá gửi vào vùng cách ly…
Bên cạnh nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân, vẫn còn rất nhiều người thiếu ý thức, vô trách nhiệm với cộng đồng, thậm chí là trục lợi từ dịch bệnh.
Thản nhiên tập thể dục, phớt lờ lực lượng chức năng dù đã có lệnh cấm. Quy định không tập trung đông người dường như cũng bị lãng quên tại nhiều nơi, như trước cửa hàng kem Tràng Tiền. Loa nhắc nhở cứ nhắc nhở, người tụ tập cứ tụ tập, ăn uống trên vỉa hè, không khẩu trang, không khoảng cách.
Nhiều quán karaoke lén lút mở cửa đón khách, thậm chí đục cửa hậu để trốn tránh lực lượng chức năng. Người ta còn đánh tráo người đi cách ly thay mình, như vụ việc tại Lâm Đồng tháng 6 vừa qua.
Giấy xét nghiệm COVID-19 cũng bị làm giả chỉ vì hám lợi. Buồn thay, thủ phạm lại là 1 cán bộ y tế lẽ ra phải gương mẫu đầu tàu.
Hậu quả của những hành vi vô ý thức thật khó đo đếm hết. Điển hình là nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã tạo nên ổ dịch lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh với hàng trăm ca nhiễm, buộc cơ quan chức năng phải khởi tổ hình sự. Từ đầu năm đến nay, ít nhất 20 vụ án hình sự liên quan đến lây lan dịch bệnh COVID-19 đã bị khởi tố.
Ngoài ra còn rất nhiều vụ việc người dân né chốt kiểm dịch, xô xát với lực lượng chức năng. Ngày 14/7, tại Cần Thơ, một người đàn ông đã rút dao dọa chém một chiến sĩ cảnh sát tại chốt kiểm dịch.
Đánh giá về những vi phạm phòng chống dịch thời gian qua, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học chia sẻ trong chương trình Vấn đề hôm nay: "Rõ ràng tình trạng vi phạm dày hơn, nhiều kiểu loại hơn, thậm chí gay cấn, căng thẳng. Ví dụ có người đối đầu trực diện với lực lượng giữ chốt thay vì chỉ né tránh, lãng quên trách nhiệm… Cùng với thời gian, đáng nhẽ người ta phải hiểu biết hơn, trang bị nhiều hơn nhưng áp lực chịu đựng của mỗi con người trong việc duy trì các nguyên tắc giãn cách trở nên khó chịu hơn. Đó là về tâm lý còn đằng sau là câu chuyện ý thức kém, xấu chứ không phải thiếu".
Trước những hành vi nguy hiểm như quán karaoke lén lút mở, làm giấy xét nghiệm giả…, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng đây là sự vi phạm ở mức độ cao: "Không phải là né luật mà đã là vi phạm pháp luật. Bằng đường này hay đường khác đã vi phạm các quy định thành văn, điều đó đã gây nguy hiểm cho xã hội, trục lợi, rất đáng lên án".
Nguy hiểm từ tin giả, tin gây kích động chia rẽ trong mùa COVID-19
Trưa 14/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc đóng cửa toàn thành phố, dẫn đến khan hiếm thực phẩm, kêu gọi người dân tích trữ hay lãnh đạo thành phố bị nhiễm Sars-CoV-2 là thông tin bịa đặt, sai sự thật. Thành phố đang tập trung chủ động, quyết liệt xử lý các vấn đề nhằm tăng cường phòng chống dịch.
"Các hệ thống siêu thị của Nhà nước mở bán độc quyền trong lúc dịch bệnh" - Đây là tin sai sự thật trên tài khoản mạng xã hội Nguyễn Lân Thắng. Bởi thực tế, hệ thống siêu thị của các doanh nghiệp tư nhân như: Vinmart, Kmart. Fivimart hay Lotte…. kinh doanh ở khắp các tỉnh thành, phục vụ người tiêu dùng.
Tài khoản mạng xã hội Việt Tân đăng thông tin: "2 triệu liều vaccine của Mỹ đã về đến Việt Nam nhưng tiêm cho không đúng đối tượng theo quy định". Đây là thông tin xuyên tạc, bịa đặt vì Việt Nam có chính sách phân bổ vaccine rõ ràng.
Một dạng tin giả không phổ biến nhưng hậu quả lại rất lớn, đó là tin gây kích động chia rẽ. Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử vừa đề nghị xử phạt 1 MC vì đăng tải dòng trạng thái với lời lẽ tiêu cực về việc hỗ trợ chống dịch của các sinh viên đến từ Hải Dương.
Bài viết có đoạn: "Mấy em tình nguyện viên Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương ơi, đoàn mấy trăm người chắc chắn có người này kẻ khác nhưng giờ nói gộp luôn cho lẹ. Sinh viên Y dược Sài Gòn, kể cả tình nguyện viên từ thanh niên, nghệ sĩ, y bác sĩ, khỏi có ở đâu rần rần máu chiến như Sài Gòn. Tụi em nhắm học hỏi, cảm thụ được thì làm, còn cà chớn như cách tụi em đã làm ở Gò Vấp thì ở chơi thêm mấy bữa cho biết rồi về, Sài Gòn đang bận dữ lắm...".
1 MC bị đề nghị xử phạt vì đăng tải dòng trạng thái với lời lẽ tiêu cực về việc hỗ trợ chống dịch của các sinh viên đến từ Hải Dương
Từ những dòng đăng Facebook như thế này cách đây ít ngày đã từng tạo nên những cuộc tranh luận đầy tổn thương lẫn nhau.
Bình luận về ý kiến tiêu cực trên, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình nói: "Không chỉ ý kiến này, dường như đã có 2 phía, trong đó 1 phía cố tình bôi đen một cách không thương tiếc, tấn công xấu độc vào những nỗ lực của đoàn tình nguyện, gợi mở và mớm cho những người có dụng ý xấu, chống phá nhảy vào cuộc. Điều này là hết sức nguy hiểm".
"Nếu thoáng xem, loại tin này có vẻ "sang trọng" hơn, tri thức hơn… Nhưng rõ ràng đã có những kẻ nhảy vào cuộc, dàn quân để nói vấn đề khác. Loại tin này là không thể chấp nhận được" - PGS.TS. Trịnh Hòa Bình cho biết.
Nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học cho rằng, người sử dụng mạng xã hội cần có năng lực tẩy trừ, chống lại tin giả, dựa trên tính logic của vấn đề, tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chiến lược phòng chống COVID-19 hiện nay.
Một nghiên cứu gần đây của hãng Kaspersky cho thấy chỉ 50% người dùng mạng cho biết họ đã đọc toàn bộ bài viết nào đó trên mạng xã hội trước khi bấm nút chia sẻ.
Theo thống kê riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 4 ngày giãn cách đầu tiên, đã có hơn 1200 vụ vi phạm quy định phòng dịch, số tiền xử phạt hơn 3 tỷ đồng. Những con số này cho thấy khoảng trống trong ý thức cộng đồng của chúng ta vẫn còn không nhỏ.
Biến thể virus Delta đang khuấy đảo cả thế giới với 80% bệnh nhân không biểu hiện triệu trứng. Đối phó với biến chủng nguy hiểm này là nhiệm vụ của các nhà khoa học. Nhưng đối phó với những triệu chứng vô cảm, vô trách nhiệm, thiếu ý thức là điều chúng ta có thể làm, cần làm và phải làm lúc này vì nó nằm ngay trong hành động của mỗi chúng ta.
Theo các cơ quan chức năng, hiện có 4 nhóm thông tin giả: - Lợi dụng tình hình dịch bệnh để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; - Đăng tin sai về chính sách phòng chống dịch bệnh của Việt Nam; - Tung tin giả liên quan đến tình hình đời sống của nhân dân tại các vùng dịch thiếu hụt lương thực; - Xuyên tạc chủ trương của Chính phủ kêu gọi người dân, tổ chức doanh nghiệp ủng hộ đóng góp vào quỹ phòng chống vaccine COVID-19 của Chính phủ. |
Theo vtv.vn