Nên tích hợp Thẻ căn cước công dân với "thẻ xanh"
Để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, ngày 20/7 Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã thống nhất triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã QR. Tuy nhiên, với mã QR trên lại khó có thể áp dụng được với những người dân không sử dụng smartphone.
- Những tác dụng của thẻ căn cước công dân gắn chip
- Thẻ Căn cước công dân gắn chip có thời hạn sử dụng bao lâu?
- Sẽ cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân mới trước 1/7
- Tích hợp các dữ liệu cần thiết vào Thẻ Căn cước công dân
- Phát hành thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử từ tháng 1/2021
- [Infographic] Những tính năng nổi bật của thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử
Thực hiện Nghị quyết 78 ngày 20/7/2021 của Chính phủ, Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã cấp cho mỗi người dân một mã QR cá nhân thống nhất trên tất cả các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19.
Trong kết luận cuộc họp hồi tháng 8 giữa 3 Bộ: Công an, Y tế và TT&TT về triển khai phần mềm theo dõi, quản lý di biến động công dân vùng dịch và quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ TT&TT cho biết đã triển khai xây dựng nền tảng quản lý và cấp mã QR cá nhân thống nhất cho người dùng trên các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 (nền tảng QRQG).
Tiếp đó, tới ngay 11/9 vừa qua, Bộ TT&TT đã ra quyết định ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 (Phiên bản 1.1).
PGS.TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tài liệu này quy định về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân, hướng dẫn về việc cấp và sử dụng mã QR cá nhân trong các nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Theo hướng dẫn, mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 được cấp một mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch, bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, việc sử dụng mã QRQG trên lại khá "bất tiện" đối với những người không sử dụng smartphone. Liên quan tới vấn đề trên, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Trên thực tế, ngay như một quốc gia được đánh giá có nền công nghệ tiên tiến bậc nhất như Singapore cũng đã tính tới trường hợp không phải người dân nào cũng có điện thoại thông minh. Do đó, họ đã tạo ra thẻ token để thay thế. Thẻ token là những chiếc thẻ thông minh, để người dân khi không có điện thoại di động thì vẫn có thể sự dụng được các tính năng của hệ thống.
Quay trở lại với câu chuyện của Việt Nam, hiện nay chúng ta đã sẵn có thẻ CCCD gắn chip với QR code. PGS.TS Tạ Hải Tùng cho hay: "Ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay của người dân trên thẻ CCCD gắn chíp. Chúng ta nên coi thẻ CCCD gắn chíp chính là "thẻ xanh" Vaccine bắt buộc. Vì ai ra đường cũng sẽ phải mang theo thẻ CCCD".
Nên tích hợp "thẻ xanh" với thẻ CCCD đã được "xanh hóa".
Đối với những đối tượng chưa có thẻ CCCD như trẻ em hay những người hiện vẫn đang sử dụng CMT cũ, PGS.TS Tạ Hải Tùng cho biết thêm: "Đối với trẻ em thì có thể tích hợp với thông tin của bố mẹ. Với người sử dụng CMT cũ thì chúng ta sử dụng số CMT đó để truy cập vào vì dữ liệu đã được tích hợp trên CSDL dân cư. Cái chính ở đây là chung một nền tảng cơ sở dữ liệu toàn vẹn, thống nhất từ trung ương đến địa phương, được cập nhật nhanh chóng, đảm bảo yếu tố an toàn thông tin. Trong đó việc xác thực, chống giả mạo và bảo vệ tính riêng tư của thông tin cá nhân cần được coi trọng".
Thẻ CCCD kèm với CSDL dân cư là "giấy thông hành" trong giai đoạn bình thường mới tới đây rất hiệu quả, thay vì việc dùng một app nào đó.
Ngoài ra, sử dụng CCCD như vậy còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với quản lý của nhà nước trong các chính sách về hỗ trợ dịch bệnh. Khi chúng ta tích hợp dữ liệu y tế và người dân kèm các bản đồ số CSDL dân cư thì ngay lập tức quản lý nhà nước có thể biết được tình hình cụ thể từng người, bao gồm việc đã tiêm vaccine hay chưa? Có bao nhiêu ca F0? và còn bao nhiêu người đang cách ly?. Điều đó thực sự cần thiết trong thời điểm hiện tại. Những chính sách của nhà nước từ đó cũng trở nên linh hoạt hơn, bám theo sự thay đổi nhanh chóng của độ phủ sóng vaccine để hướng tới mục tiêu khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
PV