Ngân hàng VIB được Thanh tra Chính phủ nhắc tên trong Kết luận thanh tra
9 tháng đầu năm 2024, nợ có khả năng mất vốn của Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế Việt Nam (VIB) tăng đột biến 172% lên gần 6.000 tỷ đồng. Mới đây nhất, Thanh tra Chính phủ đã điểm tên ngân hàng này trong Kết luận thanh tra về nội dung chuyển đổi đất sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở tại Bộ Giao thông vận tải.
Kết luận thanh tra về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ vi phạm tại 12 cơ sở nhà đất, trong đó có số 16-18 Phan Chu Trinh (Hà Nội).
Dùng đất của Nhà nước để góp vốn không đúng quy định
Công ty cơ khí Ngô Gia Tự thuộc đối tượng thuê đất trả tiền hàng năm đối với cơ sở nhà đất tại 16-18 Phan Chu Trinh. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 111 Luật Đất đai 2013, Công ty không có quyền được góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức như đối với giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, Công ty đã sử dụng cơ sở nhà đất này hợp tác, liên doanh đầu tư với VIB thành lập pháp nhân mới là không đúng quy định về quyền và nghĩa vụ của người thuê đất trả tiền hàng năm nêu trên.
Đáng nói, Công ty sử dụng cơ sở nhà đất 16-18 Phan Chu Trinh (tài sản trên đất và giá trị lợi thế của lô đất) là tài sản nhà nước để góp vốn với VIB theo Hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng ngày 19/8/2004 nhưng không thẩm định giá là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ.
Không chỉ có văn bản cho phép Công ty cơ khí Ngô Gia Tự sử dụng cơ sở nhà đất 16-18 Phan Chu Trinh hợp tác, liên doanh đầu tư với VIB, Bộ GTVT còn chấp thuận chủ trương để Công ty TNHH MTV Cơ khí Ngô Gia Tự chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty TNHH VIB - Ngô Gia Tự khi chưa có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ.
Tòa nhà số 16 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện vẫn là địa điểm Ngân hàng VIB đặt văn phòng giao dịch. (Ảnh: Hoàng Minh)
UBND thành phố Hà Nội thu hồi, giao đất chưa đúng quy định
Liên quan đến lô đất 16-18 Phan Chu Trinh, ngày 11/4/2008, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1322/QĐ-UBND thực hiện đồng thời thu hồi đất của Công ty cơ khí Ngô Gia Tự và giao cho Công ty TNHH VIBANK-NGT sử dụng để thực hiện dự án đầu tư Tòa nhà văn phòng thương mại và dịch vụ VIBANK-NGT là chưa đúng quy định theo Điều 32 Luật Đất đai 2003 vì Công ty cơ khí Ngô Gia Tự chỉ là đối tượng thuê đất trả tiền hàng năm.
Tiếp đó, ngày 04/5/2012, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1875/QĐ-UB xác định đơn giá thu tiền sử dụng đất một lần cho cả thời gian thuê đất 50 năm theo phương pháp thặng dư nhưng các tài sản so sánh không có đặc điểm tương tự với tài sản thẩm định giá; chưa dự kiến và tính đến xu hướng và mức độ biến động của giá thị trường để ước tính mức giá dự án bán được cho phù hợp với thực tế; giá bán sử dụng trong doanh thu phát triển chỉ là giá cá biệt của tài sản so sánh mà không phải là giá bình quân là không đúng với điểm b khoản 4 Mục I Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Như vậy, cơ sở nhà đất 16-18 Phan Chu Trinh được Công ty cơ khí Ngô Gia Tự thực hiện góp vốn không đúng quy định. Bộ GTVT chấp thuận chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định. UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất, giao đất, xác định tiền sử dụng đất chưa đúng quy định.
Thanh tra Chính phủ kết luận, để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc lãnh đạo Công ty cơ khí Ngô Gia Tự, Bộ GTVT, UBND thành phố Hà Nội.
Nợ có khả năng mất vốn của VIB gần 6.000 tỷ đồng
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét Quý III/2024 tại Ngân hàng VIB cho thấy, chất lượng tín dụng đi xuống khi nợ xấu tăng mạnh, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) gia tăng mạnh mẽ.
Theo đó, tính đến 30/9/2024, tổng tài sản VIB đạt hơn 445.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, trong đó dư nợ cho vay khách hàng của VIB đạt 297.549 tỷ đồng, tăng gần 12% so với thời điểm đầu năm, cao hơn so với mức trung bình ngành là 9%.
Đến 30/9/2024, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Ngân hàng VIB tăng đột biến 172%. (Ảnh: ITN)
Cụ thể, nợ xấu (bao gồm các nhóm nợ 3, 4, 5) tăng đột biến gần 37% so với đầu năm, lên mức 11.461 tỷ đồng. Kéo tỷ lệ nợ xấu tại VIB cũng tăng từ 3,14% hồi đầu năm lên 3,85% (vượt ngưỡng quy định của Ngân hàng Nhà nước). Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) giảm 8,6% xuống còn 2.265 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ giảm 13% xuống còn 3.210 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng đột biến 172% lên 5.986 tỷ đồng, chiếm 52% tổng nợ xấu của ngân hàng này.
Ngoài ra, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của ngân hàng VIB cũng gần 10.846 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù nợ xấu tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2024, nhưng nhà băng này lại khá khiêm tốn khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, tăng hơn 3.230 tỷ đồng.
Mặt khác, bất động sản vẫn chiếm ưu thế trong số các tài sản thế chấp cho các khoản vay tại VIB. Tổng giá trị tài sản và giấy tờ có giá mà ngân hàng nhận thế chấp và cầm cố tính đến 30/9/2024 đạt gần hơn 598.451 tỷ đồng. Trong đó, giá trị bất động sản thế chấp tăng 6% so với đầu năm, hơn 399.300 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản thế chấp.
Thuyết minh dư nợ cho vay khách hàng theo ngành nghề kinh doanh cho thấy, tính đến 30/9, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản tại VIB bất ngờ cao gấp 3,75 lần so với đầu năm, tương đương tăng từ hơn 1.673 tỷ đồng lên hơn 6.278 tỷ đồng. Ngoài ra, dư nợ cho vay ngành xây dựng cũng tăng tới 43% lên hơn 2.803 tỷ đồng.