Người dân có thể tra cứu thông tin tên miền qua đầu số 156 từ ngày 1/3

17:54, 02/03/2023

Bên cạnh tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, bắt đầu từ hôm nay (1/3) Bộ TT-TT sẽ sử dụng đầu số 156 làm số dùng chung để tiếp nhận các yêu cầu tra cứu thông tin tên miền.

Theo đó, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) sẽ chủ trì cùng với Cục Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông triển khai việc tiếp nhận và xử lý yêu cầu tra cứu thông tin tên miền bằng phương thức nhắn tin qua đầu số 156 từ ngày 1.3.2023.

Ngoài ra, VNNIC và Cục Viễn thông sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông cách thức kết nối, trao đổi thông tin giữa hệ thống của doanh nghiệp và hệ thống của VNNIC để triển khai quy trình tiếp nhận, lưu trữ, chuyển tiếp, xử lý yêu cầu tra cứu thông tin tên miền bằng phương thức nhắn tin qua đầu số 156...

Trước đó, từ ngày 1.11.2022, Bộ TT-TT triển khai thí điểm đầu số 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua 2 hình thức thoại và tin nhắn.

Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động. Người dân có thể phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua 2 hình thức gửi tin nhắn và gọi điện tới tới đầu số 156.

Cụ thể, khách hàng gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156 theo cú pháp. Với tin nhắn rác, người dân soạn cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) kèm nội dung phản ánh gửi 156 (hoặc 5656); Với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác: V (số điện thoại - nguồn phát tán) kèm nội dung phản ánh gửi 156 (hoặc 5656); Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân soạn tin nhắn với cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) kèm nội dung phản ánh gửi 156 (hoặc 5656).

Ngoài nhắn tin, người dân có thể gọi tới đầu số 156 (các doanh nghiệp viễn thông sẽ áp dụng việc miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

Sau khi tiếp nhận thông tin, nhà mạng sẽ sàng lọc, xác minh, phản hồi khách hàng, đồng thời tổng hợp gửi nội dung phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ TT-TT để có biện pháp xử lý theo quy định.

Thiên Thanh (T/h)