Nhân lực ngành bán dẫn cần hướng đến thị trường toàn cầu
Sáng 31/7, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn 2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức tọa đàm '''Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội, Việt Nam''.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang trở thành trụ cột quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội với những tiềm năng vượt trội, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ công nghệ thế giới.
Hà Nội, với lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, và giáo dục của cả nước, việc xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, từ nghiên cứu, sản xuất, đến ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực, là điều vô cùng cần thiết.
TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA trình bày tham luận tại toạ đàm.
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ đi theo hai hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dẫn tới việc hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới. Do đó, xây dựng hệ sinh thái bán dẫn cần đặt trong tổng thể của việc xây dựng các ngành công nghiệp số và công nghiệp xanh.
TS. Nguyễn Nhật Quang nhận định, các công nghệ hiện nay trở nên tân tiến hơn nhờ hệ thống dữ liệu và kết nối. Điển hình, các thực thể kết nối với nhau qua internet. Chia sẻ, dùng chung dữ liệu, qua đó mỗi thực thể trở nên thông minh hơn và tổng thể hệ thống hiệu quả hơn. Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và chip bán dẫn sẽ được tích hợp vào mọi thiết bị cần thiết trong đời sống. Vì vậy, hệ sinh thái bán dẫn cần đặt trong tổng thể của công nghiệp điện tử, viễn thông, IoT,...
Đối với Hà Nội, TS. Nguyễn Nhật Quang đề xuất nên xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với quy mô thành phố thông minh. Cụ thể, thủ đô cần có các đề án quy hoạch chung và quy hoạch xây dựng Hà Nội có nội dung thể hiện quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh.
Cùng với đó, để trở thành thành phố thông minh Hà Nội nên xây dựng hạ tầng thông tin kỹ thuật số mạnh và an toàn. Đồng thời, tất cả các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, năng lượng, cấp – thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, xử lý rác thải…) sẽ phải được thông minh hóa.
Đáng chú ý, những yếu tố kể trên đòi hỏi sử dụng số lượng lớn chip bán dẫn. Điều này khiến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần có năng lực tương ứng về công nghệ điện tử, công nghệ bán dẫn để xây dựng và vận hành các đô thị thông minh một cách an toàn và bền vững.
Theo TS. Nguyễn Nhật Quang, để có hệ sinh thái toàn diện, các nhà hoạch định chính sách nên tham khảo tầm nhìn về vấn đề xây dựng công nghiệp bán dẫn Hà Nội trong tổng thể vùng thủ đô. Cụ thể, cần thành lập vành đai công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu hình thành trong vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang…). Trong đó, Hà Nội cần phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong tổng thể phát triển của cả vùng Thủ đô cũng như của cả nước, đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt các địa phương đào tạo nguồn nhân lực, hậu cần và thu hút đầu tư vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị.
Các diễn giả tham gia toạ đàm bàn tròn.
Nói về điểm yếu của đào tạo nhân lực công nghệ của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc Công ty Coasta SEMI Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Sự thiếu kết nối trong các môn đào tạo trong trường dẫn đến sinh viên học giỏi từng phần những không có cái nhìn tổng thể, gắn kết giữa các phần được học. Với cách đào tạo thiên về lý thuyết nền và kỹ năng cơ bản, sinh viên có thể làm việc ngay sau khi ra trường. Tuy nhiên, vì không có nền tảng sâu; lý thuyết không gắn với thực hành, thực tế; không có cái nhìn tổng thể với ngành được đào tạo, sau 5-10 năm ra trường, những nhân sự này gặp khó khắn để phát triển, tiến sâu hơn trong nghề. Từ đó, dẫn đến việc phải bỏ nghề hoặc không thể gia tăng thu nhập, thêm cơ hội việc làm và khó khăn khi cạnh tranh với thế hệ sinh viên sau. Ông Thanh Yên nhấn mạnh đến việc đào tạo công nghệ gắn với các doanh nghiệp để sinh viên có môi trường thực hành theo nhu cầu thực tế, đồng thời tăng cơ hội có việc làm lương cao ở tất cả thị trường lao động trong và ngoài nước.
Về vấn đề phát triển công nghệ bán dẫn và vi mạch tại Hà Nội, Giáo sư Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bài toán mấu chốt để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn là Việt Nam cần chọn được mắt xích và phải chọn được mắt xích quan trọng, phù hợp với lợi thế để đầu tư, phát triển. Việt Nam hay bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, dù mạnh cũng không thể hoàn toàn làm chủ được công nghệ bán dẫn. Chọn được đúng vị trí sẽ giúp Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển công nghiệp bán dẫn hợp lý, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh bền vững.
Cũng tại buổi tọa đàm, một số chuyên gia nhận định các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam do ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn xã hội.
Đơn cử, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới Klau Schwab đánh giá Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản trị kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, kết quả của các chuyến ngoại giao cấp cao của lãnh đạo Việt Nam và của các đoàn ngoại giao cấp cao của các nước tới Việt Nam, mang lại hiệu quả hết sức cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài.
Với lợi thế là trung tâm chính trị, hành chính của Việt Nam đồng thời là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, Hà Nội có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư, trở thành một trong những khu vực trọng tâm phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Thời gian qua, Hà Nội là nơi tiếp đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tới thăm Việt Nam như Nvidia, Apple, SpaceX… Hơn nữa, Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao. Các dự án phù hợp có thể nhận được ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, ưu tiên và thủ tục hải quan…
PV (Theo Tạp chí Tin học và Đời sống)