Nhân tài Đất Việt hướng tới những sản phẩm có ích cho cộng đồng và xã hội
Nhằm tạo hành trang tốt nhất cho những thí sinh chuẩn bị tham gia cuộc thi trong lĩnh vực CNTT, Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2020 tổ chức buổi giao lưu trực tuyến vào chiều 30/10 tại văn phòng Báo điện tử Dân trí.
Buổi giao lưu trực tuyến có ông Phạm Huy Hoàn - Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng; Ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo lĩnh vực CNTT; Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Giám đốc Sản phẩm VNPT eKYC, Giải Ba NTĐV 2019; Ông Đỗ Quốc Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống trí thông minh nhân tạo Việt Nam (VAIS) - Giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2019.
Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Tuấn Anh tặng hoa tới các vị khách mời trong buổi giao lưu trực tuyến chiều ngày 30/10.
Tại buổi giao lưu trực tuyến này ban tổ chức sẽ cùng chia sẻ những thông tin cập nhật nhất về Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2020 tới đông đảo độc giả, đặc biệt là những tác giả, nhóm tác giả đang chuẩn bị hồ sơ tham dự Giải thưởng năm nay.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt vẫn do Hội khuyến học Việt Nam là đơn vị khởi xướng tổ chức từ năm 2005 đến nay. Tuy nhiên, năm nay Báo điện tử Dân trí về cơ quan chủ quản mới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) không ảnh hưởng gì tới cơ cấu cuộc thi và vẫn được Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thống nhất, ông Phạm Huy Hoàn - uỷ viên thường vụ Ban chấp hành trung ương Hội khuyến học Việt Nam vẫn là Trưởng ban tổ chức giải thưởng.
Ông Phạm Huy Hoàn - Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng
Tại buổi giao lưu ông Phạm Huy Hoàn cho biết: "Chỉ có lĩnh vực CNTT mới có giải Nhất, Nhì, Ba & Khuyến khích. Còn các lĩnh vực khác do Ban giám khảo của Hội đồng Khoa học của các Bộ: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, xem xét, tuyển chọn. Giải Tự học thành tài do Hội đồng Khuyến học của Hội Khuyến học Việt Nam xem xét, tuyển chọn".
Ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo lĩnh vực CNTT
Ông Nguyễn Long cho biết thêm: "Một trong những yếu tố quan trọng đối với sản phẩm dự thi Nhân tài Đất Việt đó là sáng tạo và công nghệ. Vì vậy, những sản phẩm hàm lượng khoa học chưa cao nhưng đáp ứng tốt thị trường thì vẫn có thể thành công.
Thông thường mọi sản phẩm tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt và đặc biệt là các sản phẩm đạt giải đều có giá trị đóng góp cao cho cộng đồng và xã hội. Hi vọng năm nay sẽ có nhiều sản phẩm gắn liền với ứng phó dịch bệnh Covid-19".
Theo ông Long, hầu hết các giải thưởng CNTT có uy tín gần đây thường thiên về bình xét mức độ thành công và phổ cập sản phẩm cũng như uy tín doanh nghiệp. Nhân tài Đất Việt có một đặc thù riêng là Giải thưởng CNTT cộng đồng nên việc bình chấm rất khắt khe, đặc biệt là các yếu tố sáng tạo và công nghệ cũng như mức độ thành công của sản phẩm. Do vậy hàng năm cũng chỉ bình chọn không quá 10 sản phẩm đạt giải chính thức so với hàng chục giải của các giải CNTT khác.
"Các bạn trẻ ngày càng giỏi nhất là trong lĩnh CNTT thì số lượng này khá đông đảo. Lợi thế của các bạn trẻ là tiếp cận được các công nghệ mới, hiện đại như AI, Bigdata, Blockchain... nên các sản phẩm giải pháp tham gia Nhân tài Đất Việt qua từng năm với sự tham gia của các bạn trẻ đều có nhiều cơ hội đạt giải. Nhìn lại mấy năm gần đây những giải cao nhất của giải thưởng Nhân tài Đất Việt đều rơi vào nhóm các bạn trẻ" ông Long cho biết thêm.
Theo tìm hiểu, được biết, Nhân tài Đất Việt đã có 2 lĩnh vực đã được đề xuất từ những năm qua, nhưng tới nay vẫn chưa có tiêu chí tuyển chọn và tôn vinh các nhân tài Đất Việt.
Như trong lĩnh vực Giáo dục, đã được đề xuất từ thời ông Nguyễn Thiện Nhân còn là Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng cho đến nay Bộ vẫn chưa tìm ra được những tiêu chí tuyển chọn nhân tài để chuyển tới Hội Khuyến học Việt Nam. Do đó vẫn chưa thể triển khai được.
Còn lĩnh vực khác như là nông nghiệp. Trong bước phát triển chung của nông nghiệp trên thế giới, chúng ta cũng rất cần những công trình nghiên cứu gia tăng về chất lượng gạo và nông sản nói chung nhằm tạo sức cạnh tranh với thế giới. Do đó, Ban tổ chức cũng rất cần các ý tưởng, giải pháp từ các nhà khoa học trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Long cho biết tiêu chí để lựa chọn các sản phẩm xuất sắc cho Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đó là phải thông qua Hội đồng chuyên gia qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo. Vòng sơ khảo từ rất nhiều các sản phẩm tham gia sẽ chấm theo hồ sơ đăng ký để lựa chọn khoảng 20 sản phẩm vào chung khảo. Sau khi khảo sát thực tế các sản phẩm vào chung khảo, Hội đồng chung khảo sẽ trao đổi trực tiếp với các ứng viên để chọn ra các sản phẩm xuất sắc nhất theo tiêu chí của Giải thưởng đã công bố.
Quang cảnh buổi giao lưu chiều 30/10
Qua 15 năm phát triển, Nhân tài Đất Việt đã trở thành giải thưởng mang tầm vóc quốc gia. Giải thưởng đã vinh danh hàng trăm nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, nhiều công trình, sản phẩm đi ra từ giải thưởng đã trở thành sản phẩm có giá trị nhiều triệu đô la, được thế giới đón nhận. Năm 2019, Nhân tài Đất Việt được giới thiệu ở Paris, Pháp và được cộng đồng các nhà khoa học Việt tại đây rất chú ý, hưởng ứng.
Giữ nguyên chủ đề “Sức mạnh chuyển đổi Số” từ 2019, Giải thưởng trong lĩnh vực CNTT năm nay vẫn tập trung tìm kiếm xoay quanh các giải pháp, xu hướng số hóa nhằm đổi mới phương thức quản lí, kinh doanh, tạo ra giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp, xã hội. Tuy nhiên, sẽ có những cách thức chấm điểm và xếp hạng đặc biệt, được Hội đồng Giám khảo đưa ra nhằm phù hợp với trạng thái bình thường mới tại Việt Nam, cũng như bối cảnh COVID-19 vẫn là mối đe dọa thường trực tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm nay, do bối cảnh dịch bệnh COVID-19, cũng như nhận được nhiều đề nghị từ các tác giả và nhóm tác giả xin gia hạn thêm thời gian để hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm dự thi, Ban tổ chức đã quyết định gia hạn nộp bài dự thi đến hết ngày 15/11/2020 (hạn cũ là 15/10/2020).
Tiếp đến, Hội đồng giám khảo sẽ tiến hành tuyển chọn những sản phẩm, công trình có ý nghĩa nhất cho xã hội qua 2 vòng Sơ loại và Chung khảo. Những đội thi may mắn và xứng đáng sẽ được công bố tại buổi lễ trao giải, dự kiến diễn ra ngày 18/12 tại Đài truyền hình Việt Nam, Hà Nội.
Thanh Tùng - Nguyệt Hằng