Nhật Bản nghiên cứu phát triển vệ tinh bằng gỗ giảm thiểu rác thải không gian

10:18, 31/12/2020

Ttrường Đại học Kyoto và Công ty xây dựng Sumitomo Forestry của Nhật Bản đang hợp tác để phát triển vệ tinh đầu tiên trên thế giới làm từ vật liệu gỗ, có khả năng chống lại thay đổi nhiệt độ và ánh sáng Mặt Trời.

Nhật Bản sẽ phát triển vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới vào năm 2023.

Công ty gỗ Nhật Bản Sumitomo Forestry và Đại học Kyoto sẽ tiến hành nghiên cứu cơ bản để cho ra đời vệ tinh thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác không gian. Dự kiến, nước này sẽ phóng vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới vào năm 2023.

Người phát ngôn của Sumitomo Forestry (công ty con của tập đoàn kinh doanh Sumitomo) cho biết mối quan hệ hợp tác được thiết lập để bắt đầu thử nghiệm vật liệu gỗ trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt trên Trái Đất. Theo đó, các vệ tinh bằng gỗ sẽ cháy hoàn toàn trên đường trở lại Trái Đất mà không giải phóng các chất độc hại vào bầu khí quyển hoặc rơi vãi mảnh vụn xuống mặt đất.

“Chúng tôi vô cùng lo ngại trước thực tế là tất cả các vệ tinh trở lại bầu khí quyển của Trái Đất đều bốc cháy và tạo ra các hạt alumin nhỏ trôi nổi trong bầu khí quyển suốt nhiều năm”, ông Takao Doi, một phi hành gia Nhật Bản và Giáo sư tại Đại học Kyoto, nói với đài BBC. Ông cũng chỉ ra rằng rác thải từ các vệ tinh cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến môi trường của hành tinh chúng ta.

Tuy nhiên, công ty Sumitomo Forestry không tiết lộ loại gỗ dự kiến sẽ được sử dụng để chế tạo vệ tinh. Họ cho biết đây là bí mật nghiên cứu và phát triển.

“Giai đoạn tiếp theo sẽ là phát triển mô hình kỹ thuật của vệ tinh, sau đó chúng tôi sẽ sản xuất mô hình bay”, ông Doi nói.

Dự đoán các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng về "rác thải" vũ trụ sẽ rơi xuống Trái đất.

Theo số liệu, không gian ngoài vũ trụ hiện chứa hơn 23.000 mảnh vỡ nhân tạo đang bay trên khắp thế giới, gây nguy hiểm cho các tàu vũ trụ đang hoạt động. Có khoảng 2.500 vệ tinh hoạt động đang di chuyển quanh Trái đất hiện nay.

Giáo sư Takao Doi, Đại học Kyoto và là phi hành gia Nhật Bản cho biết, ông rất lo lắng khi tất cả các vệ tinh khi vào lại bầu khí quyển của Trái đất đều bốc cháy và tạo ra các hạt alumin nhỏ li ti có thể trôi nổi trong vài năm trên tầng khí quyển.

Bước đi này của Nhật Bản có tầm quan trọng khi các quốc gia đang cố gắng phát triển các vệ tinh thân thiện với môi trường để giảm thiểu rác không gian.

Thanh Thanh (T/h)