Nhật Bản phát triển phương pháp xét nghiệm COVID-19 qua nước bọt

Thùy Chi 21:12, 22/06/2020

Phương pháp này không đòi hỏi thiết bị chuyên dụng hay chuyên gia kỹ thuật, không tốn kém và cho kết quả trong vòng khoảng 25 phút, với độ chính xác tương đương các xét nghiệm PCR.

Ngày 22/6, hãng dược phẩm Shionogi&Co của Nhật Bản cho biết, hãng đã tham gia một thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng với 3 trường đại học ở nước này để thương mại hóa một phương pháp xét nghiệm mới phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong nước bọt của bệnh nhân. Phương pháp này không tốn kém và cho kết quả trong vòng khoảng 25 phút.

Theo hãng Shionogi, phương pháp mới xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do các trường Đại học Nihon, Đại học Y Tokyo và Đại học Gunma phối hợp phát triển không đòi hỏi thiết bị chuyên dụng hay chuyên gia kỹ thuật, song có thể phát hiện virus với độ chính xác tương đương các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.

Phương pháp xét nghiệm mới đo lường gene, protein và chất chuyển hóa của virus SARS-CoV-2 trong nước bọt và có thể nhìn thấy kết quả bằng mắt thường.

Các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2

Trong một diễn biến khác, ngành y tế trên toàn thế giới vẫn đang liên tục tìm kiếm phương pháp điều trị Covid-19 và một cách mới có nguồn gốc từ huyết tương bò sữa đang được thử nghiệm bởi một công ty ở Nam Dokata.

Ban đầu, những con bò tham gia thí nghiệm được biến đổi gen để có một phần hệ thống miễn dịch của con người. Các nhà khoa học tại SAB Biotherapeutics đã tiêm vào chúng một phần không lây nhiễm của virus gây ra Covid-19, khiến chúng tạo ra kháng thể tự nhiên chống lại sự lây nhiễm. Các xét nghiệm cho thấy chúng hiện đang tạo ra số kháng thể mạnh gấp 4 lần so với những người đã hồi phục.

Giám đốc điều hành của SAB Eddie Sullivan nói với CNN: “Trong điều kiện phòng thí nghiệm, những con bò tham gia thí nghiệm đang tạo ra các kháng thể có thể tiêu diệt loại virus nguy hiểm này. Nếu thành công, phương pháp này có khả năng điều trị cho bệnh nhân đang ở tình trạng nặng đến nguy kịch, cung cấp kháng thể bảo vệ cho nhân viên y tế ở tuyến đầu với nhiệm vụ quan trọng và người có nguy cơ nhiễm virus cao như người già, người bị suy giảm hệ miễn dịch".

Sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm loại thuốc này có tên SAB-185, dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người vào tháng tới và hy vọng đạt tiêu chuẩn như mong muốn của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, công ty không tiết lộ bao nhiêu người sẽ tham gia nghiên cứu và các thử nghiệm lâm sàng của họ sẽ mất bao lâu.

Thùy Chi (T/h)