Nhật Bản ưu tiên phát triển nguồn điện không khí thải
Chính phủ Nhật Bản đang xem xét điều chỉnh cơ cấu nguồn phát điện theo hướng ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thực hiện các cam kết của nước này về chống biến đổi khí hậu.
Các bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong phương án cơ cấu nguồn phát điện mới đến năm 2030, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nguồn điện không thải khí gây hiệu ứng nhà kính chiếm khoảng 60%, trong đó tỷ lệ nguồn điện tái tạo là 36-38% và điện nguyên tử khoảng 20%. Tỷ lệ nhiệt điện được duy trì trong khoảng 40%.
Trước đó, năm 2018, Chính phủ Nhật Bản đã công bố cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 theo tỷ lệ điện nguyên tử chiếm từ 20-22%, điện tái tạo chiếm từ 22-24% và nhiệt điện chiếm khoảng 56%.
Phương án cơ cấu nguồn điện mới lần này cho thấy nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2050 và đến năm 2030 sẽ cắt giảm 46% lượng khí thải so với năm 2013.
Chính phủ Nhật Bản tiếp tục đặt mục tiêu duy trì nguồn điện năng lượng nguyên tử ở mức 20%, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng mục tiêu này rất khó thực hiện. Thống kê tổng lượng phát điện năm 2019 cho thấy điện nguyên tử tại Nhật Bản chỉ chiếm 6%, trong khi điện tái tạo chiếm khoảng 18%.
Sau trận động đất gây ra sóng thần tại Nhật Bản hồi năm 2011, các nhà máy phát điện tại Nhật Bản đã đề xuất tái khởi động 27 lò phản ứng nhiệt điện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 9 lò phản ứng nhiệt điện được cấp phép hoạt động trở lại./.
Theo bnews.vn