Nhiều doanh nghiệp gặp rắc rối nếu SMIC bị Mỹ đưa vào "danh sách đen"

14:59, 08/09/2020

Không chỉ có Huawei, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang mở rộng việc trừng phạt các công ty Trung Quốc. Lời đe dọa mới nhất của Washington tiếp tục nhắm vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Cụ thể, Mỹ đang xem xét việc có nên thêm SMIC vào danh sách đen thương mại hay không. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một giấy phép để có thể kinh doanh với công ty Trung Quốc.

Được thành lập vào năm 2000, SMIC hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Hãng bán chip cho nhiều công ty công nghệ trong và ngoài nước như Huawei, Qualcomm. SMIC cũng là khách hàng lớn của nhiều nhà cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới.

Vậy, trong trường hợp SMIC bị cấm cửa, những công ty nào sẽ bị “vạ lây”? Dữ liệu mà Bloomberg tổng hợp dưới đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về những công ty có khả năng bị ảnh hưởng nếu SMIC bị Mỹ cho vào danh sách đen thương mại.

Nhà cung cấp lớn nhất của SMIC là ai?

Các học viên đang học cách chế tạo và vận hành máy EUV (quang khắc cực tím) tại một trung tâm đào tạo của ASML Holding ở Đài Loan.

 Các nhà cung cấp của SMIC chủ yếu đến từ Hoa Kỳ. Trong số 30 nhà cung cấp hàng đầu của hãng, có tới 10 công ty là của Mỹ. Nhà cung cấp lớn nhất của Mỹ là Lam Research – một nhà sản xuất máy khắc plasma dùng trong sản xuất chip silicon. Lam Research chiếm 8,5% chi tiêu của SMIC tính đến ngày 4/5/2020. SIMIC cũng tạo ra 1,1% doanh thu cho công ty Mỹ.ASML Holding -  nhà sản xuất máy quang khắc lớn nhất thế giới (bộ phận quan trọng trong việc sản xuất vi mạch) cũng chính là nhà cung cung cấp lớn nhất cho SMIC. Theo dữ liệu của Bloomberg, công ty có trụ sở tại Hà Lan chiếm 11% khoản chi tiêu của SMIC tính đến ngày 2/4/2020 trong khi SMIC chiếm 0,12% doanh thu của ASML trong cùng khoảng thời gian trên.

Các nhà cung cấp của SMIC đến từ những quốc gia nào?

Ngoài Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc thì Nhật Bản là các quốc gia tiếp theo có các nhà cung cấp lớn cho SMIC. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Silicon Quốc gia là nhà cung cấp Trung Quốc dễ bị tổn thương nhất trước bất kỳ sự gián đoạn nào tại SMIC. National Silicon kiếm được 26,5% doanh thu từ SMIC, tính đến ngày 1/7. Ngược lại, SMIC dành 2,3% chi tiêu cho các thương vụ làm ăn với công ty này.

Khách hàng lớn nhất của SMIC là ai?

Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới – mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung – cũng chính là khách hàng lớn nhất của SMIC. Huawei có trụ sở tại Thâm Quyến, chiếm 18,7% doanh thu của SMIC tính đến ngày 14/8/2020 – Bloomberg cho biết. Nếu SMIC bị cấm cửa, việc Huawei bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi.

Khách hàng tại Mỹ lớn nhất của SMIC là ai?

Qualcomm – nhà thiết kế chip hàng đầu của Mỹ sẽ là khách hàng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi bất kỳ sự gián đoạn nào từ SMIC. Chip của Qualcomm được sử dụng hầu hết trong điện thoại di động của Apple, Motorola và Samsung. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy công ty Trung Quốc chiếm 3,9% chi tiêu của Qualcomm tính đến ngày 14/8/2020 và Qualcomm cũng tạo ra 8,6% doanh thu cho SMIC.

Cũng theo số liệu của Bloomberg, 13 trong số 38 khách hàng lớn nhất của SMIC đều ở Trung Quốc, chiếm 34% tổng doanh thu của nhà sản xuất chip này. Nhóm khách hàng lớn thứ hai có trụ sở tại Đài Loan, chiếm 26% tổng doanh thu. Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ ba với 9 trong số 38 khách hàng hàng đầu của công ty Trung Quốc, chiếm 24%.

Như vậy, trong trường hợp SMIC bị cấm, danh sách những công ty bị ảnh hưởng “vạ lây” cũng không kém gì khi Mỹ cấm Huawei. Bên cạnh Huawei cùng một số khách hàng và nhà cung cấp của SMIC tại Trung Quốc, nhiều công ty Mỹ như Qualcomm cũng không thoát khỏi liên lụy sau đợt thanh trừng mới này của chính phủ Mỹ.

Theo SCMP