Nhiều nhà đầu tư điện gió lo phá sản
Các nhà đầu tư điện gió có dự án chưa kịp vận hành thương mại trước tháng 10/2021 như "ngồi trên lửa" vì thiệt hại và các khoản vay đến hạn phải trả ngày một lớn.
Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, các bộ, ngành và cơ quan Quốc hội, các nhà đầu tư điện gió tiếp tục nêu những khó khăn khi không kịp vận hành thương mại ngày 31/10/2021.
Dự án của Công ty Phong Điện Gia Lai chậm tới gần nửa năm khi thiết bị nằm chờ ở cảng 4 tháng mà không thể chuyển về công trường do giãn cách xã hội kéo dài ở các tỉnh phía Nam. Tới khi thiết bị rút được khỏi cảng, chuyên gia kỹ thuật nước ngoài lại không thể sang Việt Nam do các chuyến bay thương mại quốc tế vẫn đóng, cách ly kéo dài...
Theo ông Đặng Mạnh Cường, Tổng giám đốc Phong Điện Gia Lai, chừng đó thời gian ngừng trệ vì Covid-19 đã để lại nhiều hệ luỵ cho dự án này, chỉ 4% công suất dự án kịp vận hành thương mại (COD), hưởng giá FIT ưu đãi.
Đặc thù của điện gió là yêu cầu kỹ thuật thi công mỗi dự án đều khác nhau; chi phí đầu tư cũng lớn hơn nhiều so với điện mặt trời và có ít nhà cung cấp thiết bị... Điểm này theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng (Viện Năng lượng) cũng là rủi ro cho các nhà đầu tư ở giai đoạn nước rút vào tháng 10 năm ngoái. Không ít nhà đầu tư đã phải bỏ thêm chi phí "chênh" cao để có được thiết bị về sớm, nhưng dịch bệnh đã khiến họ lỡ nhịp.
Cũng vì lý do dịch, ông Mai Nguyện, Phó giám đốc Công ty cổ phần điện gió Hanbram nhẩm tính, dự án ở Ninh Thuận gián đoạn khoảng 5 tháng và chỉ kịp hoàn thành 1/3. Số còn lại của dự án đã hoàn thiện thi công nhưng hiện vẫn "áng binh bất động". "Covid-19 rồi lại thêm khó khăn trong thu xếp vốn do ngân hàng chậm hoặc ngừng giải ngân khiến chúng tôi 'chết mòn', Phó tổng giám đốc này bày tỏ.
Một dự án điện gió tại Sóc Trăng không kịp vận hành COD đúng hạn. Ảnh: Phùng Anh
Tổn thất với các nhà đầu tư điện gió chưa kịp vận hành thương mại vì lý do bất khả kháng là dịch bệnh, tới giờ khá nặng nề.
Theo tính toán của doanh nghiệp, với suất đầu tư trung bình tại các dự án hiện nay là 45 tỷ đồng một MW, tổng mức đầu tư của khoảng 4.100 MW điện gió chưa kịp vận hành COD là trên 202.700 tỷ đồng (gần 8,8 tỷ USD). 70% trong số này là vốn vay ngân hàng, tức khoảng 142.000 tỷ đồng và hiện các nhà băng đã giải ngân được 40%, tương đương 81.190 tỷ đồng. Với mức lãi vay bình quân 10% một năm, các nhà đầu tư đang phải gánh số tiền lãi hàng năm trên 8.110 tỷ.
Theo các chủ đầu tư, nếu Chính phủ, Bộ Công Thương không gia hạn thêm thời gian vận hành thương mại, không "cấp cứu kịp thời" thì con đường đến với thua lỗ, phá sản của nhà máy điện gió đang rất gần.
Chưa kể, họ cũng bỏ ra hàng trăm tỷ cho mỗi dự án để đóng thuế nhập khẩu. Thuế này sẽ không được hoàn lại nếu không có Giấy phép hoạt động điện lực (chỉ có sau khi có chứng chỉ COD). Tài chính của doanh nghiệp đã khó nay càng khó khăn hơn.
Ông Tuấn nhìn nhận, phát triển điện gió ở Việt Nam hiện mới ở giai đoạn "chạy đà". Để tới được giai đoạn cất cánh 5 năm tới là quãng đường dài với cả nhà đầu tư và hoạch định chính sách. "Để điện gió 'cất cánh' được, cần hàng loạt chính sách phát triển phù hợp, như chuỗi cung ứng, cơ chế tài chính, công nghệ... Cơ chế chính sách hỗ trợ cho điện gió cũng cần ổn định, bền vững và ít thay đổi", ông nói.
Trong khi đó ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận chia sẻ, khoảng một nửa các dự án điện không đáp ứng được điều kiện hòa lưới kéo theo rất nhiều hệ lụy từ vỡ phương án tài chính, công ty phá sản vì không có nguồn thu, không có tiền trả ngân hàng và các nguy cơ khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Ở điểm này, ông Tuấn nhắc tới cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý, hoạch định chính sách. Ông dẫn chứng, trường hợp rủi ro ngoài tầm kiểm soát như Covid-19 phải có sự hỗ trợ tương đối từ Nhà nước với nhà đầu tư, như gia hạn cơ chế ưu đãi hoặc có chính sách nối tiếp để tạo an tâm cho nhà đầu tư.
Thực tế, nhiều nước cũng đã có chính sách "giải cứu" doanh nghiệp và chủ đầu tư điện gió khi họ gặp phải những khó khăn do nguyên nhân bất khả kháng - dịch Covid-19 gây ra. Chẳng hạn tại Đức, tháng 5/2020, Chính phủ nước này thông qua đạo luật Bảo vệ quy hoạch, cho phép các dự án năng lượng tái tạo có hạn COD trước hoặc vào ngày 30/6/2020 được hưởng gia hạn thêm 6 tháng.
Hay tại Mỹ, tháng 5/2020, Bộ Tài chính nước này có hướng dẫn kéo dài thời hạn hưởng tín dụng thuế thêm một năm cho các dự án điện gió trên bờ và điện mặt trời khởi công năm 2016 và 2017 để hoàn thành dự án và nhận ưu đãi từ chính sách tín dụng thuế sản xuất.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, địa phương, các hiệp hội, tổ chức chuyên ngành năng lượng gửi kiến nghị đề xuất với Bộ Công Thương, Thủ tướng, Quốc hội xem xét gia hạn thời gian hưởng giá FIT cho điện gió thêm từ 3 đến 6 tháng. Khoảng thời gian gia hạn này, theo các chuyên gia năng lượng, là hợp lý, đảm bảo tính công bằng cho những dự án làm thật.
"Chúng tôi chỉ xin nhà nước xem xét gia hạn thêm đúng với thời gian dịch Covid-19 ảnh hượng nặng nề khiến dự án ngừng trệ không thể thi công, để có thể hoàn thành, tránh dự án bị chết mòn", ông Mai Nguyện, Phó giám đốc Công ty cổ phần điện gió Hanbram kiến nghị.
Hiện, theo dự thảo cơ chế đàm phán trực tiếp giá bán điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời đang được Bộ Công Thương xây dựng, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) được đưa ra là 12%. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư cho rằng, với giá giảm này, gần 40 dự án triển khai trong các năm vừa qua bị mất trắng lợi nhuận, cầm chắc lỗ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận, nếu Chính phủ quyết tâm thúc đẩy cho năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, nên sớm có giải pháp gỡ khó cho các nhà đầu tư "thực".
"Số tiền đầu tư một dự án điện gió không nhỏ, lên tới vài chục, vài trăm tỷ, tiền bỏ ra rồi mà dự án không được phát điện hay vận hành thương mại sẽ là nguồn tài sản chết. Thiệt hại này không chỉ với nhà đầu tư mà cả với xã hội", ông nhận xét.
Trong khi dự án không có doanh thu hoặc chỉ nhận được một phần doanh thu, thì những nguy cơ rủi ro nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng dòng tiền lưu thông của nền kinh tế là có thể xảy ra.
Theo vnexpress.net