Nhiều nước nghiên cứu, phát triển vaccine SARS-CoV-2
Cho đến thời điểm hiện tại, cả thế giới vẫn đang gồng mình tìm các phương pháp để phòng chống Covid-19 để giảm thiểu hạn chế nhất các ca mắc bệnh. Bên cạnh đó, nhiều nước đã chế tạo ra vacccine SARS-CoV-2 và có những sáng chế cần thiết để phục vụ người dân.
Nhiều nước nghiên cứu, phát triển vaccine SARS-CoV-2.
Giới chức y tế Anh cho biết vaccine phòng SARS-CoV-2 do Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển sẽ bắt đầu được thử nghiệm trên người từ ngày 23/4.
Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã ca ngợi các nhà nghiên cứu vì đã có những bước tiến nhanh chóng, đồng thời khẳng định nước Anh sẽ đầu tư mọi nguồn lực cần thiết để phát triển loại vaccine này.
Ông Hancock cũng cho biết Chính phủ Anh sẽ đầu tư vào năng lực sản xuất để một khi thử nghiệm thành công sẽ nhanh chóng có đủ vaccine cho người dân Anh.
Chính phủ Anh thông báo sẽ tài trợ 24 triệu USD cho nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford và 27 triệu USD cho nhóm chuyên gia tại Đại học Imperial - cơ sở cũng có các nhà khoa học đang nghiên cứu, chế tạo vaccine.
Trước đó, các nhà khoa học tại Đại học Oxford tuyên bố mục tiêu của họ là chế tạo khoảng một triệu liều vắc xin ngừa virus SARS-CoV-2 vào tháng 9 tới.
Từ cuối tháng 3, dự án của Đại học Oxford, liên danh giữa Viện Jenner và Nhóm vaccine Oxford, đã tiến hành tuyển chọn các đối tượng cho thử nghiệm lâm sàng là những người trưởng thành khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 55.
Các nước đang nỗ lực nghiên cứu ra vaccine phòng SARS-CoV-2
Ngoài ra, Viện Paul-Ehrlich, tổ chức nghiên cứu và cơ quan quản lý y tế của Đức thuộc Bộ Y tế nước này thông báo đã cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng lần đầu tiên với vaccine phòng SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Ấn Độ cho biết sẽ sử dụng một loại vaccine phòng lao phổi cho trẻ sơ sinh để thử nghiệm trên người trưởng thành để xác định xem vaccine này có tạo ra cơ chế miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 hay không.
Loại thuốc sắp được thử nghiệm là vaccine phòng bệnh lao BCG tái tổ hợp của Viện Huyết thanh Ấn Độ, được phát triển năm 1919 và đã được chứng minh an toàn trong quá trình sử dụng. Viện này có thể tạo ra từ 300-400 triệu liều.
Ông Adar Poonawalla, Giám đốc Viện trên, cho biết vaccine BCG tái tổ hợp sẽ tốt hơn vaccine BCG hiện hành vì có đặc tính an toàn cao, có thể tiêm cho trẻ sơ sinh. Vaccine này đang được sử dụng ở hơn 100 quốc gia trên thế giới trong hơn 2 thập kỷ qua.
Theo kế hoạch, Viện Huyết thanh Ấn Độ sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine BCG tái tổ hợp trong vòng 2 tuần nữa để chứng minh khả năng tăng cường hệ miễn dịch ở người.
Các thử nghiệm sẽ được tiến hành ở Pune, thuộc bang Maharashtra và cũng là nơi đặt trụ sở của viện. Dự kiến, sẽ có khoảng 2.000-3.000 người thuộc diện nguy cơ cao tham gia thử nghiệm này, bao gồm người cao tuổi, người mắc các bệnh nền như tiểu đường, hen suyễn, huyết áp cao và các nhân viên y tế.
Tuy nhiên, từ nay cho đến khi kết thúc thử nghiệm, Viện Huyết thanh Ấn Độ sẽ chưa đưa ra khuyến cáo sử dụng đối với loại vaccine này.
Hàn Quốc nghiên cứu lâm sàng thuốc HCQ điều trị COVID-19
Theo Yonhap, các nhà khoa học Hàn Quốc đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng về việc điều trị dự phòng COVID-19 bằng hydroxychloroquine, một loại thuốc chống sốt rét gây tranh cãi vốn được quảng cáo là phương pháp điều trị tiềm năng.
Nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Samsung ở Seoul và Bệnh viện Đại học Quốc gia Pusan ở Busan cho biết họ đã thực hiện Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) bằng cách sử dụng thuốc hydroxychloroquine (HCQ) cho 184 bệnh nhân và 21 nhân viên y tế tại Bệnh viện Chăm sóc dài hạn (LTCH) ở Busan, nơi những người này có nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 sau khi các ca lây nhiễm được ghi nhận tăng mạnh tại đây.
Các nhà nghiên cứu đã cung cấp liều 400 miligam HCQ mỗi ngày cho những người tham gia nghiên cứu đến khi hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày.
Trong quá trình PEP, 32 người đã cho thấy có một hoặc nhiều triệu chứng, bao gồm tiêu chảy, phát ban da và các vấn đề về đường tiêu hóa.
Vào cuối 14 ngày cách ly, các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase cơ bản (PCR) tiếp theo trên những người tham gia nghiên cứu đều cho kết quả âm tính, cho thấy những người nhận được áp dụng liệu pháp PEP không phát triển bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn nói rằng điều này không có nghĩa là PEP có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa COVID-19 vì không có nhóm kiểm soát thích hợp và chỉ mới được tiến hành tại một trung tâm đơn lẻ.
Trong một diễn biến liên quan khác, một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học Nhật Bản đứng đầu vừa phát hiện ra 2 chất có thể sử dụng để bào chế thuốc chữa bệnh COVID-19.
Trong công trình nghiên cứu chung có sự tham gia của 25 viện nghiên cứu trong và ngoài Nhật Bản do Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) của Nhật Bản và Đại học Khoa học Tokyo đồng chủ trì, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực tìm kiếm các chất có khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 nhân bản trong khoảng 300 loại thuốc đã được cấp phép ở Nhật Bản, châu Âu và Mỹ.
Họ đã tìm ra Nelfinavir, vốn được sử dụng để điều trị các triệu chứng do AIDS và Cepharanthine, vốn được sử dụng để chữa trị cho các bệnh liên quan tới việc suy giảm của bạch cầu (tế bào máu trắng).
Theo nhóm nghiên cứu, các mô hình máy tính cho thấy Nelfinavir có thể ngăn chặn các enzyme giúp SARS-CoV-2 nhân bản, trong khi Cepharanthine giúp ngăn chặn virus nguy hiểm này xâm nhập vào tế bào.
Các phân tích trên máy tính cũng cho thấy nếu bệnh nhân COVID-19 sử dụng 2 chất trên cùng một lúc trong vòng 12 giờ sau khi họ có các triệu chứng nhiễm virus, họ có thể loại bỏ virus SARS-CoV-2 trong khoảng 10 ngày, sớm hơn 5 ngày so với khi không sử dụng các chất này.
Đài truyền hình NHK dẫn lời ông Watashi Koichi, một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc NIID, cho biết 2 chất trên đã chứng minh hiệu quả cao trong các thí nghiệm.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất sử dụng các chất này để bào chế thuốc chữa bệnh. Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch nghiên cứu lâm sàng để kiểm tra độ an toàn và hiệu quả của các chất trên.
Israel biến nước máy thành nước sát khuẩn chống COVID-19
Ngày 22/4, các nhà khoa học Israel thuộc Đại học Ben Gurion (BGU) cho biết, họ đã phát triển công nghệ biến nước máy thành chất sát khuẩn hiệu quả và an toàn chống virus gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo BGU, chất sát khuẩn trên diệt vi khuẩn và virus mà không gây hại môi trường. Các thí nghiệm do các nhà nghiên cứu của BGU tiến hành đã tiêu diệt chủng virus corona OC43 ở người. Chủng virus này có cấu trúc tương tự virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Nhân viên tại trung tâm y tế Hadassah ở Jerusalem, Israel đang cầm mẫu xét nghiệm virus corona chủng mới
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện quá trình điện hóa nước, sau đó ứng dụng một công nghệ đơn giản để biến nước thành chất sát khuẩn.
BGU khẳng định chất sát khuẩn này an toàn khi sử dụng, do vậy phù hợp sử dụng trong môi trường bệnh viện và nhà trẻ. Ngoài ra, có thể phun chất sát khuẩn này lên khẩu trang và găng tay để tái sử dụng các vật dụng này. Ngoài ra, có thể sử dụng để khử trùng cho nhiều vật dụng như quần áo, máy điều hòa nhiệt độ, rèm cửa, các bề mặt.
Nhóm nghiên cứu trên cho biết họ đang tiến hành nghiên cứu thêm để có thể sử dụng loại nước này sát khuẩn tay và thậm chí chữa trị các vết thương.
Nguyệt Hằng (T/h)