Nhiều thành tựu trong công tác tư pháp năm 2023

16:07, 25/12/2023

Ngày 25/12/2023, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ (2021-2026). Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo Hội nghị.

Nhiều thành tựu trong công tác tư pháp năm 2023- Ảnh 1.

Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương tham dự Hội nghị triển khai công tác ngành Tư pháp - Ảnh: VGP/LS.

Xác định hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Lãnh đạo các Ban, bộ, ngành và UBND 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu (điểm cầu Trung ương và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho hay, tiếp nối những kết quả đạt được của những năm đầu nhiệm kỳ, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó, một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.

Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ, ngành Tư pháp coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng – an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Năm 2023, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 10 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đặc biệt, đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 05 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành gần 3.800 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 2.600 VBQPPL cấp huyện và hơn 1.700 VBQPPL cấp xã.

Chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp, đòi hỏi chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL tiếp tục được nâng cao. Năm 2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 44 đề nghị xây dựng VBQPPL và 237 dự án, dự thảo VBQPPL; Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 543 dự thảo VBQPPL; các địa phương đã thẩm định hơn 7.000 dự thảo VBQPPL.

Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được Bộ Tư pháp và nhiều bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, trong năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát hệ thống VBQPPL theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101 của Quốc hội; rà soát các quy định pháp luật để phục vụ triển khai Đề án phát triển và ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.

Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp quan tâm thực hiện, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của từng năm, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, đạt được nhiều kết quả tích cực; quyết liệt thực hiện các giải pháp để hạn chế việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.

Bên cạnh đó, tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực tham mưu, tổ chức thành công nhiều sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, việc tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV đã thu hút sự tham giacủa 63 đội thi đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhận được sự đánh giá cao của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở. 

Năm 2023, các hoà giải viên trong toàn quốc đã tiếp nhận trên 90.000 vụ việc, với tỷ lệ hoà giải thành trung bình là 84,7%. Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được các Sở Tư pháp chủ động tham mưu đưa vào Chương trình, Kế hoạch và văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác PBGDPL hằng năm. Qua báo cáo của các địa phương, tính đến nay có trên 10.000 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỉ lệ trên 95%.

Nhiều thành tựu trong công tác tư pháp năm 2023- Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2024 - Ảnh: VGP/LS.

Thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả quan trọng

Công tác Thi hành án dân sự (THADS) tiếp tục được kiện toàn, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp; công tác phối hợp, nhất là phối hợp liên ngành trong THADS được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ sở vật chất, điều kiện, trang thiết bị làm việc, phục vụ hoạt động THADS được đầu tư, nâng cấp bảo đảm tốt cho thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý đều tăng, nhưng kết quả THADS năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng thực hiện, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, bám sát các quy định pháp luật và nhiệm vụ được giao tại các Đề án trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản giấy tờ. Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số liên quan đến đăng ký và thống kê hộ tịch. 

Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đã tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt Đề án số 06, đặc biệt lần đầu tiên tổ chức cấp giấy tờ hộ tịch điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp thông qua việc triển khai 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông về đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được hoàn thiện với trên 63 triệu dữ liệu hộ tịch các loại; kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã có hơn 8,5 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ giữa 02 cơ sở dữ liệu.

Công tác quản lý nhà nước về con nuôi, phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi được các cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ với việc kịp thời giải quyết hơn 3.000 trường hợp nuôi con nuôi trong nước trong năm 2023.

Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Việc đăng ký biện pháp bảo đảm tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả ấn tượng. Năm 2023, các Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản đã tiếp nhận và giải quyết hơn 1 triệu phiếu yêu cầu về đăng ký, cung cấp thông tin. Trong đó, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt trên 83%.

Đối với quản lý nhà nước trong lĩnh vực bồi thường nhà nước ngày càng được tăng cường. Công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức trong thi hành công vụ.

Quản lý nhà nước trong các lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, thừa phát lại, quản lý thanh lý tài sản… tiếp tục được Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương chỉ đạo sát sao, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và pháp luật của Nhà nước. Bộ Tư pháp đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các VBQPPL trong lĩnh vực đấu giá tài sản, công chứng và giám định tư pháp, đặc biệt là tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Bộ và ngành Tư pháp tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Trong năm, các đấu giá viên đã thực hiện 41.976 cuộc đấu giá thành, thu 545.608 tỉ vượt 101.912 tỉ so với giá khởi điểm. Cả nước đã thực hiệm giám định tư pháp đối với 189.344 vụ việc.

Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) đã được triển khai đồng bộ gắn kết chặt chẽ với triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chất lượng dịch vụ TGPL ngày càng được nâng cao, thực sự là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Lần đầu tiên thiết lập cơ chế phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự trên toàn quốc thông qua việc ký kết Chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự trên phạm vi toàn quốc giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an. Năm 2023, cả nước đã tiếp nhận hơn 38 nghìn vụ việc TGPL, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng là hơn 25 nghìn vụ việc (chiếm 77% tổng số vụ việc, tăng 19% so với năm 2022).

Thực hiện tốt vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ

Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, sửa đổi nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật; các bộ, ngành đã tích cực rà soát, trình Chính phủ sửa đổi các nghị định quy định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực cụ thể, bảo đảm phù hợp với các VBQPPL liên quan và tình hình thực tế về kinh tế xã hội của đất nước.

Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế; phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế và hướng dẫn các địa phương liên quan đến nhiều vụ việc nhà đầu tư nước ngoài có vướng mắc, khiếu kiện; tăng cường thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị.

Năm 2023, công tác hợp tác quốc tế về pháp luật, tư pháp và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này tiếp tục bám sát định hướng, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đạt nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận, như củng cố quan hệ hợp tác, mở rộng, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, như Chương trình hợp tác pháp luật với Trung Quốc, Cuba, Argentina, Ấn Độ…; với các tổ chức quốc tế như Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN - Nhật Bản lần thứ nhất; Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN - G7 lần thứ nhất tại Tokyo - Nhật Bản.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/nhieu-thanh-tuu-trong-cong-tac-tu-phap-nam-2023-102231225152911418.htm