Điềm mặt các sản phẩm mà doanh nghiệp, trường học tham gia chế tạo, sản xuất robot hỗ trợ y tế và máy thở
Tập đoàn Vingroup, Trung tâm Công nghệ thông tin của Bệnh viện Quân dân y miền Đông (TPHCM), Đại học Điện lực (Hà Nội), là ba trong số những trường đại học và doanh nghiệp đang tích cực tham gia chế tạo, sản xuất robot hỗ trợ y tế và máy thở, sau đây hãy cùng Khoa học và Phát triển nhìn lại những sản phẩm trên.
Bệnh viện dã chiến Củ Chi vừa chính thức đưa robot khử khuẩn phòng cách ly, điều trị Covid-19 đi vào hoạt động. Đây là sản phẩm của “Vườn ươm sáng tạo” thuộc Trung tâm Công nghệ thông tin của Bệnh viện Quân dân y miền Đông (TPHCM), do Sở Y tế TPHCM đặt hàng.
Robot có 2 chức năng chính là phun xịt thuốc khử khuẩn và lau sàn nhà sau khi phun xong. Ngoài ra, robot còn biết tự khử khuẩn mình trước khi ra khỏi phòng cách ly. Nhân viên y tế chỉ cần điều khiển robot từ xa qua mạng 3G hoặc internet, nhờ đó giảm nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh.
Trong thời gian tới, Sở Y tế TPHCM sẽ trang bị robot khử khuẩn cho tất cả bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị người nhiễm Covid-19.
Tập đoàn Vingroup báo cáo đã sản xuất được máy thở không xâm nhập đầu tiên và đã chuyển đến Bộ Y tế trong sáng 13/4. Bộ Y tế đang phối hợp kiểm định máy thở để sản xuất và sử dụng trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup đã đăng ký sản xuất máy thở xâm nhập và không xâm nhập, dự kiến nửa cuối tháng 4 sẽ có sản phẩm cung ứng cho thị trường Việt Nam.
Sáng 11/4, ông Nguyễn Tử Quảng - Tổng giám đốc Tập đoàn Bkav - cho biết công ty đã hoàn tất kế hoạch sản xuất máy thở xâm nhập dựa trên thiết kế máy thở xâm nhập PB 560 do công ty thiết bị y tế hàng đầu thế giới Medtronic mở cho các nhà sản xuất khác để chung tay cung cấp cho thế giới chống dịch. “Vào giữa tháng 5, chúng tôi sẽ sản xuất xong máy mẫu đầu tiên để có thể xin cấp phép sản xuất hàng loạt từ Bộ Y tế. Bkav cũng đã làm việc với chuỗi cung ứng sẵn có đang tham gia sản xuất Bphone, hơn 9.000 công nhân và 4 nhà máy trong hệ thống của chúng tôi đã sẵn sàng”, CEO Nguyễn Tử Quảng chia sẻ.
Nhóm thiết kế của ĐH Điện lực, Hà Nội, thử nghiệm máy hỗ trợ thở.
Một nhóm thầy trò ở Khoa Điện tử Viễn thông và Trung tâm R&D thuộc Trường Đại học Điện lực, Hà Nội, vừa chế tạo thử nghiệm hai phiên bản máy thở không can thiệp, dựa trên các mã nguồn mở.
Trong đó, phiên bản rút gọn sử dụng toàn các vật tư, linh kiện sẵn có trong nước, có thể huy động nhanh số lượng gần như không hạn chế, dễ dàng sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn với giá thành chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/bộ.
Nhóm cũng đang hoàn chỉnh phiên bản đầy đủ nhỏ gọn hơn, nhiều tính năng hơn nhưng vật tư, linh kiện cũng khó kiếm hơn.
Trường ĐH Duy Tân vừa chế tạo máy thở không can thiệp dựa trên tham khảo nhiều mẫu máy thở khác nhau đã có trên thị trường như E-Vent (của MIT), OxVent (của ĐH Oxford), Medtronics PB650, Lowenstein Ventilator,… với đặc điểm tự chủ về công nghệ với tỉ lệ nội địa hóa cao, giá thành khoảng 20 triệu đồng. Đặc biết, máy thở được thiết kế nhỏ gọn để có thể ứng biến nhanh trong các tình huống dịch bệnh lây lan với pin dự phòng đảm bảo hoạt động liên tục trong 3 giờ đồng hồ khi bị cúp/ngắt điện.
VMINA LAB: ra mắt thiết bị sát khuẩn tự động
Nhóm các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên tại Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Mico-Nano (VMINA LAB) thuộc trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN (VNU-UET), vừa trình làng bộ đôi sản phẩm: Máy sát khuẩn tay và máy khử khuẩn phòng kín tự động.
Máy khử khuẩn
Hiện nay tại các cửa cơ quan, doanh nghiệp hầu hết đều trang bị các lọ dung dịch rửa tay sát khuẩn. Tuy nhiên, việc tất cả mọi người đều phải tiếp xúc lên lọ dung dịch lại tạo ra một nguồn lây nhiễm tiềm năng. Hơn nữa, việc không có một định lượng chính xác dung dịch cần để diệt khuẩn cho mỗi lần rửa tay khiến cho người dùng hoặc không phun đủ lượng dung dịch cần thiết, hoặc phun quá nhiều gây lãng phí dung dịch. Ngoài ra nhiều đơn vị phải bố trí người túc trực thường xuyên để nhắc nhở việc rửa tay gây lãng phí nhân lực và tăng nguy cơ lây nhiễm.
Do vậy, nhiều cơ sở đã nghiên cứu chế tạo và đưa vào sử dụng các máy sát khuẩn tay tự động bơm dung dịch. Điểm đặc biệt của máy sát khuẩn tay tự động do Vmina Lab chế tạo là tích hợp nhiều tính năng thân thiện với người sử dụng như khi có người đi tới, máy tự động phát ra lời nhắc mọi người rửa tay.
Khi rửa chỉ cần xòe 2 bàn tay ra đưa vào buồng sát khuẩn máy sẽ sử dụng 4 vòi phun tự động phun dung dịch sát khuẩn lên bề mặt da tay và tự động ngắt khi đã phun đủ thời lượng tối ưu theo kết quả thí nghiệm khả năng sát khuẩn. Điều này đảm bảo vừa tiết kiệm dung dịch mà vẫn đảm bảo chắc chắn khả năng sát khuẩn (là tính năng chính của máy).
Thiết bị được tích hợp trên 1 chân đế chắc chắn, di chuyển được và rất phù hợp đặt tại sảnh các công sở, cơ quan, khách sạn,... nơi có nhiều người qua lại cần sát khuẩn tay thường xuyên, tránh tình trạng mọi người dùng tay ấn trực tiếp vào các chai sát khuẩn để lấy dung dịch/gel sát khuẩn ra tay. Thiết bị cũng được thiết kế buồng đựng dung dịch tương đối lớn để đảm bảo máy có thể hoạt động liên tục trong nhiều ngày mới phải tiếp thêm dung dịch sát khuẩn. Máy cũng phát cảnh báo khi dung dịch cạn để người dùng cho thêm dung dịch.
Chi phí sản xuất của máy này khá “bình dân”, sử dụng phù hợp với cơ quan, công sở, doanh nghiệp, trường học và phù hợp cả với các hộ gia đình. VMINA Lab sẵn sàng chuyển giao công nghệ chế tạo thiết bị cho các đơn vị quan tâm theo email hoanhtam@vnu.edu.vn.
PV/TH