Những đặc tính cần có của người lãnh đạo trong thời chuyển đổi số
Ngày 04/10/2024, tại Hội nghị bồi dưỡng và cập nhật kiến thức, kỹ năng cho khoảng 100 đại biểu là các Chủ tịch Liên đoàn tỉnh, thành phố, Công đoàn Ngành Trung ương và các trưởng ban, đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ về vai trò của lãnh đạo trong thời kỳ chuyển đổi số, cũng như các thách thức, cơ hội và những phẩm chất, đặc tính cần thiết của người lãnh đạo để có thể thích ứng và phát triển trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "4 đặc tính cần phải có của lãnh đạo thời chuyển đổi số, gồm: Khiêm tốn học hỏi; Thích ứng; Có tầm nhìn xa; Tương tác."
Ba đặc trưng quan trọng của thời kỳ chuyển đổi số: Môi trường mới, sự thay đổi mang tính phá hủy và tốc độ đổi mới nhanh chóng
Mở đầu nội dung phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Bộ trưởng chỉ rõ, chuyển đổi số là một sự thay đổi căn bản và vĩ đại, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Chuyển đổi số là sự di chuyển lên một không gian mới do con người tạo ra, khác biệt hoàn toàn so với các không gian truyền thống khác như đất đai, biển…, những không gian do vũ trụ sinh ra.
Bộ trưởng khẳng định, di chuyển lên không gian số là cuộc di chuyển vĩ đại nhất của con người và chưa từng có trong lịch sử. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như vậy, lãnh đạo thời kỳ chuyển đổi số cần có những tố chất mới để có thể thích ứng và phát triển trong môi trường mới này.
Đại biểu tham dự Hội nghị đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng nhấn mạnh ba đặc trưng quan trọng của thời chuyển đổi số, đó là: Môi trường mới, sự thay đổi mang tính phá hủy và tốc độ đổi mới nhanh chóng. Với 3 đặc trưng của thời chuyển đổi số, đòi hỏi mỗi người phải thay đổi, đòi hỏi người lãnh đạo phải thay đổi. Đồng thời, Bộ trưởng nêu ra 4 đặc tính cần phải có của lãnh đạo thời chuyển đổi số, gồm: Khiêm tốn học hỏi; Thích ứng; Có tầm nhìn xa; Tương tác.
Để lãnh đạo trong kỷ nguyên số, việc học hỏi là quan trọng nhất. Trong bối cảnh mọi thứ thay đổi nhanh chóng, những người không biết lại là những người học hỏi được nhiều nhất, bởi vì không biết mới có động lực học hỏi, sẵn sàng tiếp thu cái mới.
Bộ trưởng cho rằng, người lãnh đạo cần ý thức được rằng trong thời kỳ công nghệ phát triển nhanh, người nhân viên, người đồng cấp có thể biết nhiều hơn mình, do đó cần lắng nghe nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn. Vì vậy, trong các đơn vị, tổ chức, lãnh đạo cần phải phân loại các cuộc họp thành 2 loại: Thứ nhất là họp triển khai, tức là lãnh đạo phổ biến các kế hoạch, việc cần làm, cấp dưới thực thi. Thứ hai là cuộc họp brainstorming, ở cuộc họp này, mọi người thoải mái nói lên các ý kiến của mình để tìm ra giải pháp hay. Để nghe được, chắt lọc được những ý kiến hay từ anh em, người lãnh đạo cần đặt kiến thức của mình sang một bên, tự coi mình là "thể rỗng" để lắng nghe.
Bộ trưởng cũng chia sẻ về tầm quan trọng của sự thích ứng trong kỷ nguyên của sự thay đổi không ngừng. Bộ trưởng dẫn câu nói nổi tiếng của Darwin: "Sinh vật sống sót trên quả đất này không phải sinh vật khỏe nhất hay thông minh nhất mà là sinh vật ứng phó với biến đổi giỏi nhất". Chính vì vậy, thay vì cố gắng thay đổi môi trường, nhà lãnh đạo thời kỳ chuyển đổi số cần biết cách thích ứng với môi trường mới để tồn tại và phát triển. Đồng thời, người lãnh đạo cũng phải thích ứng với việc giải quyết những vấn đề mới, phức tạp.
Giải quyết những vấn đề mới luôn gặp khó khăn vì ta chưa biết gì về nó. Nếu dùng hệ tri thức mình đang có để ra quyết định thì lại không đúng, vì nhiều việc chưa từng có tiền lệ. Giải pháp chính là hãy "thử", nhưng là thử có kiểm soát, ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, trong khi thử thì người lãnh đạo phải điều hành sát sao, trực tiếp làm, không giao cho cấp dưới, không giao cho cấp phó, phải do cấp trưởng trực tiếp làm. Đây cũng chính là kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số, thử ở quy mô nhỏ, thành công thì nhân rộng ra toàn quốc.
Một đặc trưng khác không kém quan trọng của người lãnh đạo thời kỳ chuyển đổi số đó là tầm nhìn xa. Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng, việc giữ vững một tầm nhìn dài hạn là điều vô cùng quan trọng, giống như phải có một ngôi sao dẫn lỗi để giữ hướng đi. Tầm nhìn sẽ giúp nhà lãnh đạo giữ vững hướng đi và không bị cuốn theo những thay đổi ngắn hạn.
Người lãnh đạo trong môi trường đang thay đổi nhanh phải là người sẵn sàng lắng nghe, tương tác và thông tin với mọi người. Người lãnh đạo nên dành thời gian nói chuyện với nhân viên, cấp dưới, tương tác với thế giới bên ngoài.
Hành động của người lãnh đạo trong thời kỳ chuyển đổi số
Từ 4 đặc trưng nêu trên, Bộ trưởng đã nêu ra những việc cần lưu ý của người lãnh đạo trong thời kỳ chuyển đổi số. Đó là: Nhạy cảm với cái mới, xu thế mới; Ra quyết định dựa trên dữ liệu; Thực thi nhanh.
Nhạy cảm với cái mới tức là phải theo dõi xu thế công nghệ, nắm được các thành tựu mới của công nghệ liên quan đến lĩnh vực của mình, có tư duy mở để sẵn sàng ứng dụng. Chẳng hạn nói đến AI, ChatGPT thì phải biết nó hoạt động thế nào.
Ra quyết định dựa trên dữ liệu tức là sử dụng công nghệ số để thu thập, phân tích dữ liệu, trên cơ sở đó ra quyết định. Người châu Á nói chung, người Việt Nam nói riêng thường ra quyết định trực quan, tuy nhiên xác suất ra quyết định sai thì không hề nhỏ. Do đó cần kết hợp giữa trực quan và phân tích dữ liệu để ra quyết định sẽ là giải pháp tối ưu.
Thực thi nhanh sẽ mang lại kết quả nhanh, mang lại nhiều giá trị hơn là sự hoàn hảo. Tuy nhiên, nhanh thì sẽ có rủi ro, do đó cần có quản trị rủi ro để giảm rủi ro về mức thấp nhất. Đảng, Nhà nước hiện nay cũng đang có các chính sách nhằm bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Đối với thất bại cũng có nhiều cách nhìn. Thất bại là một cơ hội học hỏi, thất bại để làm những việc khác tốt hơn. Đó cũng là một góc nhìn.
Bộ trưởng tổng kết: Người lãnh đạo trong thời chuyển đổi số trong khi thực hiện chương trình hành động cần tránh: Lái chậm, lái ẩu và lái sai hướng. Lái chậm thì nắm bắt được bối cảnh, biết được cơ hội, rủi ro, biết ra quyết định dựa trên dữ liệu nhưng lại hành động chậm, do đó không đến đích trước người khác được.
Lái ẩu là nắm bắt được xu thế, có tầm nhìn, nhưng ra quyết định không dựa trên dữ liệu, dễ bị tai nạn, vì thế cũng không đến đích.
Lái sai hướng là ra quyết định ngắn hạn tốt, thực thi nhanh nhưng tầm nhìn dài hạn sai thì cũng không đến đích.
Do đó, người lãnh đạo cần phối hợp đủ ba yếu tố: Mục tiêu ổn định, quyết định dựa trên dữ liệu, thực thi nhanh, nếu sợ sai, rủi ro thì thí điểm trước ở quy mô nhỏ, thành công thì nhân rộng ở quy mô lớn.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dành thời gian trao đổi, trả lời trực tiếp một số câu hỏi của các đại biểu đến từ Tổng liên đoàn lao động, Liên đoàn lao động các địa phương về thí điểm chuyển đổi số, thẩm định dự án chuyển đổi số, triển khai chính quyền số, chính quyền điện tử./.