Những điểm mới của Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7/2024

09:32, 05/04/2024

Ngày 1/4, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, Luật Căn cước chính thức có hiệu thi hành kể từ ngày 1/7 và sẽ chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Ngoài ra, Luật Căn cước còn có nhiều nội dung mới so với những quy định hiện hành liên quan đến căn cước công dân.

Mẫu Căn cước công dân hiện tại. Ảnh: TTXVN phát

Lần đầu tiên, người dưới 6 tuổi được cấp thẻ căn cước

Theo đó, Điều 46 Luật Căn cước nêu rõ, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1 đến trước ngày 30/6 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6.

Còn các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành mà sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng. Riêng chứng minh nhân dân dù còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12.

Cũng theo Cục C06, Luật Căn cước quy định thẻ căn cước mới sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào đó là thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân.

Bộ Công an mở rộng thêm đối tượng được cấp thẻ căn cước gồm: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu; Công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, đây là lần đầu tiên người dưới 6 tuổi được cấp thẻ căn cước. Để cấp cho đối tượng này, người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi làm thủ tục thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Đáng chú ý, cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

Cũng từ ngày 1/7, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây là giấy tờ tùy thân chứa thông tin về căn cước của người gốc Việt, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên.

Theo quy định mới này, giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học

Luật Căn cước còn quy định, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học. Theo đó, cơ quan làm căn cước sẽ thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.

Bên cạnh đó, luật mới bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn...

Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công...

Đáng chú ý, luật còn bổ sung quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn

(https://doanhnghiepthuonghieu.vn/nhung-diem-moi-cua-luat-can-cuoc-co-hieu-luc-tu-1-7-2024-702352603-p53415.html)