Những hạn chế của chính phủ Mỹ đối với công nghệ mở sẽ làm chậm sự đổi mới

09:18, 03/11/2023

Giám đốc điều hành của RISC-V International cho rằng những hạn chế của chính phủ Mỹ nếu xảy ra với công nghệ chip nguồn mở sẽ làm chậm sự phát triển của các chip mới và tốt hơn, kìm hãm ngành công nghệ toàn cầu.

Bình luận này được đưa ra sau khi Reuters đưa tin rằng, ngày càng nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ đang kêu gọi chính quyền Biden áp đặt các hạn chế kiểm soát xuất khẩu đối với RISC-V - công nghệ nguồn mở được giám sát bởi tổ chức phi lợi nhuận RISC-V International. Công nghệ RISC-V có thể được sử dụng làm nguyên liệu để tạo ra chip cho điện thoại thông minh hoặc trí tuệ nhân tạo.

Những hạn chế của chính phủ Mỹ đối với công nghệ mở sẽ làm chậm sự đổi mới

Trong một bài đăng trên blog, Calista Redmond, giám đốc RISC-V International - cơ quan điều phối công việc giữa các công ty về công nghệ cho biết, RISC-V không khác gì các tiêu chuẩn công nghệ mở khác như Ethernet, giúp các máy tính trên internet giao tiếp với nhau.

Redmond viết: “Các hành động được xem xét bởi các chính phủ để hạn chế chưa từng có với các tiêu chuẩn mở sẽ dẫn đến hậu quả là khả năng tiếp cận thị trường sản phẩm, giải pháp và tài năng toàn cầu bị giảm sút. Tách rời mức tiêu chuẩn sẽ dẫn đến một thế giới có các giải pháp không tương thích với nhau, gây lãng phí công sức và đóng cửa các thị trường”.

Redmond cho rằng RISC-V đã thu hút được sự đóng góp tương tự từ Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Các tiêu chuẩn được tổ chức công bố không phải là bản thiết kế đầy đủ cho một con chip và không cung cấp cho bất kỳ bên nào nhiều thông tin hơn về cách tạo ra con chip so với những gì có sẵn từ các hãng công nghệ chip độc quyền như Arm Holdings,... Sự khác biệt duy nhất là thị trường được phép sử dụng các tiêu chuẩn này mà không cần giấy phép độc quyền từ công ty kiểm soát. Việc tiếp cận các tiêu chuẩn mở cho phép các công ty đổi mới nhanh hơn và dành thời gian tạo ra các sản phẩm khác biệt, thay vì cố gắng phát minh lại cái bánh xe”.

RISC-V là kiến trúc tập lệnh (ISA), được sử dụng trong thiết kế bộ xử lý. Công nghệ chip nguồn mở này ra đời tại Đại học California năm 2010, nhưng hầu hết sự đóng góp đến từ toàn cầu dưới dạng phi lợi nhuận, không chịu sự ràng buộc bởi bất kỳ quốc gia nào.

Chuẩn này trở nên phổ biến năm 2015 khi toàn bộ chi tiết công nghệ được cung cấp miễn phí cho các nhà phát triển dưới sự giám sát của tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ. Sự chú ý đến RISC-V ngày càng lớn khi Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc tham gia tài trợ. Những người sáng tạo đã so sánh nó với Ethernet, USB và thậm chí là Internet - những thứ được cung cấp miễn phí và thu hút sự đóng góp từ khắp thế giới, giúp việc chế tạo bán dẫn nhanh và rẻ hơn.

Semico Research, công ty có trụ sở tại Arizona (Mỹ), ước tính số lượng chip có ít nhất một công nghệ RISC-V sẽ tăng với tốc độ 73,6% mỗi năm cho đến 2027.

Theo Tạp chí An toàn thông tin

(https://antoanthongtin.vn/cong-nghe-thong-tin/nhung-han-che-cua-chinh-phu-my-doi-voi-cong-nghe-mo-se-lam-cham-su-doi-moi-109400)