Những lưu ý khi gọi điện, gửi email quảng cáo từ ngày 1/10
Chính phủ đã đặt ra một số quy định về gọi điện, nhắn tin, gửi email quảng cáo tại Nghị định 91/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/10/2020.
Theo đó, kể từ ngày 1/10, những người làm dịch vụ chăm sóc khách hàng, những doanh nghiệp đang có ý định tiếp cận khách hàng cần lưu ý những quy định sau liên quan đến gửi tin nhắn, email quảng cáo, gọi điện quảng cáo.
Không được gửi tin, gọi điện quảng cáo khi chưa có sự đồng ý
Điều 7 Nghị định 91 định nghĩa: “Danh sách không quảng cáo (DoNotCall) là tập hợp số điện thoại mà người có quyền sử dụng số điện thoại đó đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào”.
Vì vậy, người quảng cáo hoặc các nhà mạng không được phép gọi điện thoại quảng cáo, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo, gửi tin nhắn quảng cáo tới bất kỳ số điện thoại nào trong Danh sách này.
Không được gửi tin, gọi điện quảng cáo khi chưa có sự đồng ý
Tại khoản 3 Điều 13 quy định, khi người sử dụng từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời sau khi nhận quảng cáo đầu tiên, người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo đến số điện thoại đó.
Mặt khác, khoản 4 Điều 13 quy định thêm nếu trước đó đã được người sử dụng đồng ý nhận quảng cáo nhưng sau đó yêu cầu từ chối thì người quảng cáo phải chấm dứt việc gửi quảng cáo.
Người quảng cáo cũng cần phải lưu ý về tần suất, thời gian gửi tin nhắn, email, gọi điện quảng cáo theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 13 Nghị định 91/2020/NĐ-CP:
- Không được gửi quá 3 tin nhắn trong vòng 24h
- Thời gian được gửi tin nhắn quảng cáo từ 7h đến 22h mỗi ngày.
- Không được gọi quá 1 cuộc gọi quảng cáo trong vòng 24h;
- Thời gian gọi điện thoại quảng cáo từ 8h đến 17h mỗi ngày.
Tin nhắn, email quảng cáo phải có thông tin giá cước. Theo khoản 2 Điều 14 và khoản 4 Điều 17, tin nhắn và email quảng cáo đều phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước, nếu quảng cáo cho dịch vụ có thu cước.
Bên cạnh đó, vẫn phải đáp ứng các yêu cầu trước đây như: Phải được gắn nhãn quảng cáo; Phải có chức năng từ chối…
Riêng đối với nhãn quảng cáo, chỉ được có dạng: [QC] hoặc [AD].
Theo Điều 22 của Nghị định, mọi cuộc gọi điện thoại quảng cáo đều phải có đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi (gồm tên và địa chỉ), và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo.
Trong trường hợp quảng cáo cho dịch vụ có thu cước, thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước.
Đặc biệt, trong trường hợp người nghe từ chối nhận cuộc gọi, người quảng cáo phải chấm dứt ngay việc tiếp tục gọi điện thoại quảng cáo đến người đó.
Mức xử phạt lên đến 100 triệu đồng
Nghị định 91 quy định mức phạt tiền từ 5 - 100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm trong việc nhắn tin, gọi điện, gửi thư điện tử rác.
Trong đó, mức phạt từ 80 - 100 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.
Tin nhắn rác bao gồm:
- Tin nhắn quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc tin nhắn quảng cáo vi phạm các quy định về gửi tin nhắn quảng cáo;
Nghị định 91 quy định mức phạt tiền từ 5 - 100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm trong việc nhắn tin, gọi điện, gửi thư điện tử rác.
- Tin nhắn vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Giao dịch điện tử, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, Điều 12 Luật Viễn thông, Điều 8 Luật Quảng cáo, Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng, Điều 8 Luật An ninh mạng.
Cuộc gọi rác bao gồm các loại sau:
- Gọi điện thoại quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc gọi điện thoại quảng cáo vi phạm các quy định về gọi điện thoại quảng cáo;
- Gọi điện thoại vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Giao dịch điện tử, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, Điều 12 Luật Viễn thông, Điều 8 Luật Quảng cáo, Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng, Điều 8 Luật An ninh mạng.
PV (T/h)