Những vướng mắc doanh nghiệp gặp phải trong dịch vụ công trực tuyến
Mặc dù Cổng dịch vụ công trực tuyến trở nên quen thuộc và được đanh giá là “thân thiện, dễ hiểu và nhanh chóng” khi sử dụng. Tuy nhiên, đi đôi với những tiện ích của nó, dịch vụ này vẫn khiến doanh nghiệp gặp phải những vướng mắc chưa thể tháo gỡ.
Theo thống kê của Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, đến tháng 4/2020, TP.HCM đã triển khai 1.292 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 1.786 thủ tục hành chính đang áp dụng, trong đó mức độ 3 là 989 dịch vụ và mức độ 4 là 303 dịch vụ. Các thủ tục được nhiều người dân và doanh nghiệp sử dụng liên quan đến lao động, kinh doanh và xây dựng.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Diệu - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân thì vẫn còn nhiều khó khăn nhất định khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho biết: “Có những thủ tục đòi hỏi người dân phải scan dữ liệu. Đặc biệt là trong xây dựng yêu cầu kèm bản vẽ thiết kế xây dựng nên chưa thuận lợi cho người dân, dẫn đến tỷ lệ thực hiện trong lĩnh vực này thấp. Quận cũng chưa có 1 cơ sở dữ liệu chung nên cán bộ công chức ngoài thực hiện trên máy tính thì còn làm trên giấy nên chưa rút ngắn được thời gian”.
Theo số liệu thống kê cho thấy Hóc Môn, Bình Thạnh, Bình Tân và Thủ Đức là những địa phương được đánh giá có kết quả nổi bật trong giải quyết thủ tục hành chính qua mạng. Với hơn 40.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đang hoạt động, tốc độ đô thị hóa cao nên yêu cầu về giải quyết thủ tục hành chính của quận Bình Tân khá nặng nề. Trung bình mỗi năm quận giải quyết hơn 800.000 hồ sơ của người dân trên các lĩnh vực.
Đi đôi với những tiện ích, dịch vụ công trực tuyến vẫn khiến doanh nghiệp gặp phải những vướng mắc chưa thể tháo gỡ.
Vì vậy, chính quyền địa phương xác định lấy công nghệ thông tin làm nền tảng để mở rộng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2016, quận bắt đầu thực hiện 20 thủ tục qua mạng ở cấp độ 3, hiện con số này đã tăng lên 61. Ngoài ra, 17 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cũng đang hoạt động khá hiệu quả, giảm tải đáng kể cho người dân và cán bộ phụ trách hồ sơ.
Tuy nhiên ngoài những quy định chung gây ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ, thì theo bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, một hạn chế khác khiến tỷ lệ người dân và cả doanh nghiệp chưa “mặn mà” với dịch vụ công trực tuyến, đó là công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, việc giải quyết hồ sơ nhiều nơi chưa minh bạch. “Người dẫn vẫn chưa hiểu rõ về dịch vụ công trực tuyến. Vậy nên, làm sao để người dân an tâm rằng hồ sơ nộp trực tuyến vẫn được giải quyết như nộp trực tiếp, được hỗ trợ kịp thời khi thiếu thông tin và tiến độ xử lý được công khai để họ theo dõi- đây là những yếu tố quan trọng để tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến tăng lên. Và đó cũng là mục tiêu chúng tôi muốn hướng tới” – Bà Trinh cho biết thêm.
Trước những tồn tại về mặt hạn chế trên, TP.HCM đang triển khai xây dựng đô thị thông minh nhằm phục vụ dân ngày càng tốt hơn. Do đó dịch vụ công trực tuyến và nhiều đề án của các lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ cùng với nguồn nhân lực thông minh sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến mới trong quản lý, điều hành của chính quyền điện tử do dân, vì dân.
Vân Anh