NIC tổ chức lễ bế giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch tích hợp
Sáng ngày 18/4, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã tổ chức lễ bế giảng "Khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về Thiết kế vi mạch tích hợp mật độ cao" cho 30 học viên xuất sắc nhất. Khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về Thiết kế vi mạch tích hợp mật độ cao là chương trình đào tạo đầy ý nghĩa và tiên phong trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước khẳng định vị trí trên bản đồ công nghệ tại khu vực và trên thế giới.
![]() |
NIC tổ chức lễ bế giảng "Khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về Thiết kế vi mạch tích hợp mật độ cao". Ảnh: Thế Kiên. |
Tới dự lễ bế giảng có sự góp mặt của GS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin; GS. TS. Koichiro Ishibashi, Đại học Điện tử và Truyền thông Tokyo, Nhật Bản và TS. Bùi Duy Hiếu, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia chia sẻ: Như chúng ta đã biết, vi mạch tích hợp là nền tảng quan trọng trong hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại. Từ điện thoại thông minh, thiết bị y tế, đến ô tô thông minh và các hệ thống IoT, trí tuệ nhân tạo - tất cả đều dựa vào những con chip với kích cỡ vô cùng nhỏ này. Việc phát triền và làm chủ công nghệ vi mạch, đặc biệt là thiêt kê vi mạch mật độ cao và công suất thâp, không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật mà còn là một nhiệm vụ chiến lược của Quốc gia trong kỷ nguyên số.
Với tinh thần đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã phối hợp với Viện Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai chương trình đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu này. Sự tham gia trực tiếp của chuyên gia quốc tế hàng đầu: GS.TS. Koichiro Ishibashi từ Đại học Điện tử và Truyền thông Tokyo, cùng với sự đồng hành của TS. Bùi Duy Hiếu và đội ngũ cán bộ của Viện CNTT đã mang đến cho khóa học không chỉ là kiến thức lý thuyết mà còn kinh nghiệm thực tiễn quý báu.
![]() |
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phát biểu khai mạc lễ bế giảng. Ảnh: Thế Kiên. |
Chúng tôi cam kết hỗ trợ tối đa cho các học viên, nhóm nghiên cứu, và các tổ chức trong việc tiếp cận công cụ, tài nguyên mã nguồn mở, kết nối với các chương trình quốc tế và tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thay mặt Ban Tổ chức, Phó Giám đốc NIC nhiệt liệt chúc mừng các học viên đã xuất sắc hoàn thành khóa học về vi mạch. Ông bày tỏ kỳ vọng các học viên sẽ tiếp tục duy trì tinh thần học hỏi, sáng tạo và tiên phong trong các dự án vi mạch tương lai.
Ông Thịnh nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội “vàng” để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Với sự dẫn dắt của các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết, cùng sự đồng hành của các đơn vị như NIC, Viện Công nghệ Thông tin - ĐHQGHN và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các học viên hoàn toàn có khả năng góp phần tạo nên một chương mới đầy triển vọng cho ngành công nghệ cao của đất nước.
![]() |
GS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thế Kiên. |
GS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết:
Chúng tôi đánh giá rất cao tính thực tiễn và tính mở của khóa học, đặc biệt khi học viên được làm quen với các tiến trình thiết kế PDK mã nguồn mở, tiếp cận với những tổ chức quốc tế như Skywater (Hoa Kỳ), IHP (Đức), và các hoạt động do các tổ chức IEEE-CASS, IEEE-SSCS hỗ trợ. Đây là một hướng đi rất phù hợp với xu thế toàn cầu, giúp các bạn dễ dàng tham gia các dự án chế tạo thử nghiệm vi mạch miễn phí, tiết kiệm chi phí, đồng thời thúc đẩy sự lan tỏa và chia sẽ tri thức trong cộng đồng kỹ sư vi mạch tại Việt Nam.
Khóa học lần này đã thu hút hơn 70 đơn đăng ký từ khắp các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong cả nước. Việc lựa chọn ra 30 học viên xuất sắc nhất để tham gia cũng phần nào phản ánh sự quan tâm sâu sắc của cộng đông khoa học - công nghệ Việt Nam đối với lĩnh vực thiết kế vi mạch. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng khi được biết rằng một số học viên sau khóa học đã lên kế hoạch xây dựng các bài giảng chuyên sâu, tổ chức đào tạo nội bộ tại đơn vị mình, thậm chí bắt đầu phát triển các mẫu thiết kế thử nghiệm gửi đi chế tạo. Đó chính là những tín hiệu tích cực, khẳng định hiệu quả và sức lan tỏa của chương trình.
|
GS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội trao chứng chỉ cho các học viên xuất sắc. Ảnh: Thế Kiên. |
|
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trao chứng chỉ cho các học viên. Ảnh: Thế Kiên. |