Ninh Bình tận dụng lợi thế ‘di sản kép' để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Ninh Bình sở hữu "di sản kép" Quần thể danh thắng Tràng An và giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư với di sản đồ sộ, dày đặc, phong phú. Đây là điều kiện thuận lợi để Ninh Bình có thể trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của vùng và hội nhập quốc tế.
Hội thảo "Khởi tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại Ninh Bình - Vấn đề và giải pháp" - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Ngày 29/9, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo "Khởi tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại Ninh Bình - Vấn đề và giải pháp".
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nêu rõ, hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang từng bước tiến hành cơ cấu lại các ngành kinh tế truyền thống dựa vào ứng dụng thành tựu KHCN và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Cùng với đó là khởi tạo các ngành kinh tế mới nổi dựa trên thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - giải pháp đột phá để xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của vùng.
Dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có của một địa phương sở hữu giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An, giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư với di sản đồ sộ, dày đặc, phong phú; có hơn 40% diện tích đất đai là rừng quốc gia, dự trữ sinh quyển, đất lâm viên, đất ngập nước; có tiền đề của hơn 2 thập niên chuyển đổi phương thức sản xuất từ nâu sang xanh, Ninh Bình có điều kiện thuận lợi cho đẩy nhanh xây dựng thành một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngoài trời và từng bước khởi tạo một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo trong nhà.
Hiện nay, Ninh Bình đã bước đầu định hình một số thành tố cấu thành trung tâm đổi mới sáng tạo ngoài trời với tổ hợp các công viên di sản, công viên văn hóa, công viên động vật hoang dã, công viên đất ngập nước, các khu vực dịch vụ kinh tế ban đêm, show diễn thực cảnh, phim trường cảnh quan để quay nhiều bộ phim nổi tiếng, nhất là phim Kong Skull Island.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ mục tiêu: Tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, lấy du lịch, công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, công nghiệp cơ khí giao thông làm động lực, các ngành công nghiệp và dịch vụ mới nổi gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá, nông nghiệp sinh thái đa giá trị làm trụ đỡ.
Đây chính là cơ sở pháp lý, tiền đề kinh tế - xã hội, lợi thế cạnh tranh của điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa - lịch sử để khởi tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại tỉnh Ninh Bình.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với đặc thù của địa phương
Đồng quan điểm với tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho rằng, Ninh Bình có thể đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với đặc thù của địa phương trong các lĩnh vực chủ chốt, chẳng hạn có thể tận dụng lợi thế về văn hóa và di sản để phát triển các dự án khởi nghiệp du lịch xanh, du lịch cộng đồng và các sản phẩm thủ công truyền thống kết hợp công nghệ hiện đại, hướng tới thị trường quốc tế.
Ninh Bình cũng có thể thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý di sản và phát triển kinh tế để biến Ninh Bình trở thành địa phương tiên phong trong bảo tồn và khai thác giá trị di sản, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, với vai trò là trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô đang phát triển mạnh, tỉnh cũng có tiềm năng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô thông minh, ứng dụng công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI).
Ngoài ra, tiềm năng phát triển nông nghiệp xanh và bền vững của Ninh Bình có thể được khai thác thông qua các mô hình khởi nghiệp sáng tạo áp dụng công nghệ IoT, AI, blockchain, giúp quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đặc sản địa phương.
Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom Group, cho rằng, trước làn sóng doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn thế giới hiện nay, Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Chủ tịch HĐQT Intracom Group nêu những kinh nghiệm thành công của một số quốc gia trên thế giới trong việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế. Cụ thể như ở Singapore - "con rồng" châu Á, động lực nằm ở nguồn lực tài trợ và hỗ trợ của chính phủ (cung cấp nguồn vốn, điều chỉnh, thay đổi chính sách) nhằm giúp đất nước ngày trở thành môi trường đầu tư và khởi nghiệp thân thiện.
Hay tại Hàn Quốc, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, chính phủ Hàn Quốc đã phát triển các trung tâm ươm mầm doanh nghiệp, hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp và tài chính...
Tại Việt Nam, hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cả từ khu vực tư nhân, khu vực công và các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình phong phú như: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia...
Chủ tịch HĐQT Intracom Group đề xuất Ninh Bình cần xây dựng một Trung tâm khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra một môi trường hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp và các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó nhà thiết kế Minh Hạnh, Giám đốc Viện thiết kế thời trang Việt Nam đề cập đến "mô hình làng nghề ở Ninh Bình" và các thách thức đứt gãy giá trị của các làng nghề truyền thống; đồng thời gợi mở mô hình chuyển đổi từ hộ gia đình sang mô hình kinh doanh tạo dư địa cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên các giá trị văn hóa truyền thống.
Từ di sản làng nghề, sản phẩm nghề truyền thống có thể phát triển thành một ngành công nghiệp văn hóa phục vụ du lịch trải nghiệm với những định hướng trở thành "công viên hóa di sản", "bảo tàng hóa di sản", "phim trường hóa di sản", "di sản hóa các phế tích".
Tại hội thảo, một số ý kiến cũng đề xuất Ninh Bình phải kết hợp giữa làng nghề với các hoạt động du lịch, các trải nghiệm, các show diễn, ở đây cần có sự gắn kết hỗ trợ của chính quyền đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp để tạo thành những điểm nhấn cho địa phương.
Bên cạnh đó, cần số hóa được các giá trị di sản khác biệt, văn hóa bản địa, các họa tiết, hình ảnh... của Ninh Bình để quảng bá rộng rãi hơn đến đông đảo công chúng, như vậy mới có được những dự án khởi nghiệp đột phá mang tính chất toàn cầu.