Bộ TT&TT đồng hành cùng Ninh Bình thực hiện mục tiêu đổi mới sáng tạo
Ngày 29/02, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã đồng chủ trì buổi làm về đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư để Ninh Bình trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn chủ trì buổi làm việc.
Cùng dự buổi làm việc, về phía Bộ TT&TT có: Thứ trưởng Phan Tâm, Thứ trưởng Phạm Đức Long, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng; cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ và một số doanh nghiệp liên quan.
Về phía tỉnh Ninh Bình, có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Tống Quang Thìn, Trần Song Tùng, Nguyễn Cao Sơn; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và một số doanh nghiệp liên quan.
Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
Mở đầu buổi làm việc, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã quan tâm dành thời gian làm việc với Tỉnh và chúc mừng những thành tựu và đóng góp quan trọng của Bộ đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian qua; cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Bộ để Ninh Bình đạt được những kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc.
Theo chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, đây là buổi làm việc xuất phát từ đề nghị của Tỉnh, với mong muốn được Bộ TT&TT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ định hướng để tỉnh Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ của cả nước.
Một số thành tựu nổi bật của Ninh Bình năm 2023: - Hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/17 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. - Duy trì phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố cả nước; - GRDP bình quân đầu người đạt 88,03 triệu đồng. - Từ năm 2022, Ninh Bình đã tự cân đối ngân sách. Về thực hiện chính quyền số, chuyển đổi số, lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin: - Năm 2023, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng, nền tảng số. - Hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác sử dụng ổn định, hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng - Cơ bản hoàn thành triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp huyện, thí điểm chuyển đổi số cấp sở, ngành. - Có 92 xã (đạt tỷ lệ 64,3%) hoàn thành chuyển đổi số cấp xã theo tiêu chí mô hình phiên bản 1.0; - 193 doanh nghiệp công nghệ số, 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số. Về phát triển kinh tế số - Toàn tỉnh có 193 DN công nghệ số. - Tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt 100%; DN sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 50%. Về phát triển xã hội số: - Tỷ lệ người dân có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác ước đạt 765.472 (~160). - Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt khoảng 89,1%. - Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 70,8%. - Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt 90%. Mục tiêu phát triển thời gian tới: - Đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương. -Đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ TT&TT cùng chia sẻ và hỗ trợ xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình hoạt động, định hướng phát triển cho tỉnh để trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ICT trong tương lai.
Bộ Thông tin và Truyền thông luôn đồng hành với Ninh Bình thực hiện mục tiêu đổi mới sáng tạo
Chúc mừng những thành tựu mà tỉnh Ninh Bình đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao mục tiêu, tầm nhìn, khát vọng của tỉnh, đặc biệt là quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
Phân tích về những tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức, cơ hội đặt ra cho Ninh Bình khi xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng cho rằng, Ninh Bình cần mạnh dạn đi trước, tự đổi mới sáng tạo mình, trở thành nơi cho phép thử nghiệm những cái mới để tạo nên đột phá, biến mình thành “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp, nhà đổi mới sáng tạo tìm đến thử nghiệm và đầu tư, phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu.
Theo Bộ trưởng, Ninh Bình cần dành thêm ngân sách đầu tư, chi tiêu cho các sản phẩm mới, công nghệ mới, tạo ra thị trường hấp dẫn để các doanh nghiệp số, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội phát triển. Ninh Bình nên ưu tiên thực hiện chuyển đổi số toàn diện đối với các lĩnh vực đang là thế mạnh của tỉnh như du lịch, công nghiệp ô tô...
Chú trọng phát triển nhân lực số và các yếu tố nền tảng số như hạ tầng số, công dân số với 100% người dân có định danh số, chữ ký số, tài khoản thanh toán số. Đặc biệt, yếu tố quan trọng có tính quyết định đó là phải có lãnh đạo số để dẫn dắt toàn bộ quá trình phát triển.
Bộ trưởng chỉ rõ, một trong những cách nhanh nhất để Ninh Bình phát triển, tăng năng suất lao động và tăng trưởng bền vững là làm những việc cũ theo cách mới nhờ ứng dụng công nghệ số. Cần đưa công nghệ của cách mạng 4.0 vào tất cả các lĩnh vực của tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình.
Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng Ninh Bình sẽ tìm ra con đường phát triển hiện đại, xanh và số mới, dựa trên đặc điểm địa lý, văn hóa đặc thù của địa phương; có cách tiếp cận độc đáo, có quyết tâm hành động để hiện thực hóa mọi mục tiêu đề ra và trở thành 1 trong số những thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Về tinh thần sẵn sàng hỗ trợ Ninh Bình phát triển, Bộ trưởng cam kết Bộ TT&TT sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng Ninh Bình, sẵn sàng chia sẻ giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực, đồng thời hỗ trợ thực hiện mục tiêu về đổi mới sáng tạo mà Ninh Bình đề ra trong thời gian tới.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn trân trọng cảm ơn những chia sẻ, những góp ý của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tại buổi làm việc.
Buổi làm việc đã mở ra các định hướng lớn để hình thành chương trình hành động chi tiết về phát triển địa phương, giúp lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành có thêm những góc nhìn và cách tiếp cận mới về chuyển đổi số toàn diện, đổi mới sáng tạo các lĩnh vực.
Trên cơ sở chương trình hành động này, trong quý I/2024, hai cơ quan sẽ tổ chức buổi làm việc tại Ninh Bình để triển khai các việc cụ thể./.
Theo http://mic.gov.vn