NSA theo dõi các cuộc gọi của 35 nhà lãnh đạo thế giới

14:16, 25/10/2013

Theo một tài liệu được phân loại thuộc Chương trình theo dõi người dân của Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) do Edward Snowden cung cấp, các cuộc đàm thoại của 35 nguyên thủ thế giới được NSA “chăm sóc” chu đáo.


Bản ghi nhớ bí mật đã tiết lộ rằng, NSA khuyến khích các quan chức cấp cao trong nội các chính phủ như Nhà Trắng, Lầu Năm Góc cung cấp sổ ghi chép các thông tin, số điện thoại liên lạc, email… của tất cả các nhân vật VIP trên thế giới để cơ quan này đưa vào hệ thống giám sát.

Tài liệu này cũng lưu ý rằng một quan chức giấu tên của Hoa Kỳ đã bàn giao cho NSA một danh sách gồm số điện thoại của 200 người, trong số đó là của 35 nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, 35 số điện thoại này không hề được đặt tên cụ thể mà chỉ là những ký hiệu và ngay lập tức chúng được đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt.

Những tiết lộ gây chấn động thế giới này đã khiến mối quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh trở nên vô cùng căng thẳng. Mới đây, nữ thủ tướng Đức Angela Merkel đã cáo buộc Hoa Kỳ khai thác thông tin từ thiết bị di động của mình. Theo hãng thông tấn Reuters, Bà Merkel nghi ngờ có sự giám sát của Hoa Kỳ khi tìm thấy số điện thoại di động của bà được lưu trong một tài liệu của phía Nhà Trắng. Đáp trả lại lời cáo buộc của nữ Thủ tướng Đức, Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh của Nhà Trắng đã ban hành một tuyên bố rằng Hoa kỳ không theo dõi và giám sát phương tiện liên lạc của bất kỳ ai và việc Hoa Kỳ có những hoạt động tình báo là nhằm vào mục đích chính trị, quân sự trong nước. Nhưng điều đó cũng không thể làm dịu được tình thế, vì sau đó phía Berlin đã nhanh chóng chỉ ra rằng Hoa Kỳ đã không từ chối giám sát điện thoại các cá nhân cả trong quá khứ.

Thủ tướng Đức - Bà  Angela Merkel

Theo tạp chí nổi tiếng của Anh Guardian, NSA là cơ quan thường xuyên theo dõi các số điện thoại của các nhà lãnh đạo thế giới và thậm chí còn yêu cầu sự hỗ trợ của các quan chức khác của Mỹ để làm những việc như vậy.

Một trong các bản ghi nhớ của NSA vào ngày 10/2006 và được phát hành cho nhân viên của Cục tình báo Hoa Kỳ (SID) có tựa đề “Khách hàng có thể giúp SID có được số điện thoại mục tiêu ”. Và gần đây là vụ một quan chức của Hoa Kỳ cung cấp cho NSA danh sách 200 số điện thoại trong đó có 35 số điện thoại của các nhà lãnh đạo thế giới. Mặc dù, thực tế phần lớn trong số đó có thể có sẵn thông qua các mã nguồn mở. Tài liệu cũng chỉ ra rằng, các số điện thoại mới đã giúp cơ quan này phát hiện ra nhiều chi tiết phục vụ cho việc theo dõi và cũng từ một số điện thoại này, NSA lại nắm được thêm nhiều số điện thoại liên quan khác. Các bản ghi nhớ cũng thừa nhận rằng việc nghe lén điện thoại là phục vụ cho mục đích tình báo. 


Từ những phản ứng của bà Merkel, hiện Hoa Kỳ đang phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề của cộng đồng thế giới, gây tổn hại đến mối quan hệ ngoại giao với các nước đồng minh. Cục tình báo Hoa Kỳ (SID) cho rằng, họ được quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của các cá nhân trong nội các chính phủ Hoa Kỳ mà mỗi một cá nhân lại lưu giữ những sổ địa chỉ liên lạc của các quan chức trên thế giới mà họ có mối quan hệ. Tại đây, SID có thể nắm được toàn bộ những liên lạc của các nhà chính trị hay nhà quân sự của nước ngoài từ số điện thoại liên lạc trực tiếp, fax, nơi cứ trú…

Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ từ chối trả lời các câu hỏi xoay quanh vụ tài liệu tình báo này và đổ lỗi cho những thông tin trên là nhằm bôi nhọ uy tín của Hoa Kỳ với thế giới, chính phủ sẽ làm hết sức mình để duy trì tất cả các mối quan hệ liên quan đến chính trị, an ninh và kinh tế với các quốc gia đồng minh trên thế giới. Những lời buộc tội công khai của bà Merkel đã làm tăng căng thẳng chính trị ở châu Âu và làm ảnh hưởng đến sự giám sát của Hoa Kỳ lên chính phủ các nước đồng minh.

Trước đó, ông Obama đã phải điện đàm với Tổng thống Pháp François Hollande về việc tờ tờ Le Monde của nước này qui chụp rằng, NSA đã truy cập vào hơn 70 triệu hồ sơ điện thoại của công dân Pháp trong khoảng thời gian là 30 ngày, trong khi các báo cáo trước đó của Der Spiegel đã phát hiện ra hoạt động của NSA chống lại tổ chức và thông tin liên lạc của các quan chức cấp cao của Liên Minh Châu Âu.


Ủy Ban châu Âu -  Cơ quan chấp hành của EU đưa ra đề xuất có thể yêu cầu các công ty công nghệ của Hoa Kỳ tìm kiếm sự cho phép trước khi bàn giao các dữ liệu có liên quan đến những công dân của châu Âu cho cơ quan tình báo Hoa Kỳ, trong khi Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ đình chỉ việc thỏa thuận chia sẻ dữ liệu ngân hàng sau khi tờ Der Spiegel tiết lộ NSA đang giám sát các hệ thống chuyển khoản ngân hàng của Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (Swift).

Hoàng Hải
TIN LIÊN QUAN