NVIDIA thâu tóm ARM với giá 40 tỷ USD
Theo các nhà phân tích, thương vụ thâu tóm ARM của NVIDIA với giá 40 tỷ USD sẽ khiến những đối thủ không mấy hài lòng.
Theo Reuters, sau một thời gian đồn đoán, NVIDIA đã mua lại ARM, công ty sản xuất chip bán dẫn của Anh với giá 40 tỷ USD. Chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận được công bố, các nhà sản xuất chip tại Trung Quốc và Hàn Quốc, đối thủ của NVIDIA đã có phản ứng.
“Trung Quốc sẽ không thích thương vụ này”, giám đốc một hãng chip tại Trung Quốc cho rằng hoạt động hợp tác giữa các công ty Mỹ với ARM để phát triển chip máy chủ sẽ gặp khó tại Trung Quốc.
Các chuyên gia trong ngành chip Hàn Quốc cho rằng thâu tóm ARM sẽ khiến NVIDIA mạnh hơn trong trận chiến với Samsung, Qualcomm và một số hãng chip trong lĩnh vực xe tự lái. Họ cũng lo rằng ARM sẽ tăng phí cấp phép thiết kế cho đối thủ.
Với NVIDIA, sở hữu ARM sẽ giúp họ trở thành đế chế hùng mạnh. Ảnh: Gadgets360. |
ARM là nhà cung cấp chip quan trọng, sở hữu phần lớn bằng sáng chế của ngành bán dẫn. Thiết kế chip của ARM được cấp phép cho nhiều công ty như Intel, Qualcomm và Samsung, những đối thủ cạnh tranh của NVIDIA.
Nhờ cách tiếp cận này, thiết kế của ARM đã được áp dụng trên hơn 180 tỷ con chip, tạo ra hệ sinh thái khổng lồ từ smartphone, máy tính đến các sản phẩm Internet of Things.
Theo Reuters, thương vụ này cũng đặt ARM dưới sự kiểm soát của công ty Mỹ, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump gấp rút tìm cách ngăn chặn sự phát triển của ngành bán dẫn Trung Quốc.
Tuy nhiên, Geoff Blaber, Phó chủ tịch Nghiên cứu Khu vực châu Mỹ của CCS Insight, cho rằng thỏa thuận sẽ “vấp phải sự phản đối kịch liệt” từ những khách hàng của ARM.
“Bị mua lại bởi NVIDIA sẽ gây bất lợi cho ARM và hệ sinh thái của họ. Tính độc lập đã góp phần vào thành công của ARM và khi điều đó bị xâm phạm, giá trị của ARM sẽ sụt giảm”, Blaber nhận định.
Trả lời Reuters, CEO NVIDIA, Jensen Huang và Simon Segars, CEO ARM cho biết NVIDIA sẽ duy trì trụ sở của ARM tại Anh để không phải chịu các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, giữ nguyên mô hình kinh doanh mở như trước.
Huang cho biết ARM sẽ mở rộng mô hình kinh doanh bằng cách cách cấp phép một số thiết kế chip đồ họa của NVIDIA. Về lý thuyết, động thái này sẽ cho phép khách hàng của ARM cạnh tranh với NVIDIA.
Nhiều hãng chip sẽ phản đối thương vụ NVIDIA mua lại ARM. Ảnh: CNET. |
Park Jea-gun, Giám đốc Hiệp hội Công nghệ Màn hình & Bán dẫn Hàn Quốc, cho biết động thái này đánh dấu nỗ lực của NVIDIA nhằm tạo ra bước đột phá trong thị trường chip ôtô, lĩnh vực có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Hermann Hauser, đồng sáng lập ARM cũng chỉ trích thương vụ này. Ông cho rằng đó là “thảm họa” đối với Cambridge (thành phố đặt trụ sở ARM), Anh và châu Âu bởi ARM là “hãng công nghệ châu Âu cuối cùng có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu”.
Thiên Thanh (t/h)