Phấn đấu nâng cao thứ hạng chỉ số thương mại điện tử Hà Nội
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn về việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao thứ hạng chỉ số thương mại điện tử Hà Nội.
Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội được giao nhiệm vụ phát huy tối đa lợi ích của hình thức bán hàng qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Kết nối, hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Tiki, Lazada, Shopee, Sendo...).
Bên cạnh đó, hỗ trợ, hướng dẫn trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử, tăng cường cập nhật thông tin hàng hóa lên website bán hàng, tăng tỷ lệ nhận đơn đặt hàng qua website và email của doanh nghiệp (nâng tỷ lệ doanh nghiệp có website từ 42% lên 70%; nâng tỷ lệ cập nhật thông tin trên website từ 21% lên 50%...).
Tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường. Hướng dẫn doanh nghiệp đẩy mạnh các hình thức nhận đơn đặt hàng trên các công cụ trực tuyến như: email, website, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội…
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng ứng dụng trên nền tảng di động để cung cấp đa dạng giải pháp, sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng; cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động để nâng cao giá trị hơn nữa cho người tiêu dùng từ các ứng dụng di động…
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng được yêu cầu đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động thương mại điện tử trên môi trường mạng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc kinh doanh thương mại điện tử, góp phần tạo môi trường thương mại điện tử cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn thành phố tuyên truyền, quảng bá, vận động, hướng dẫn, giới thiệu về các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho người sử dụng thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ và lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt trong phát triển thương mại điện tử.
UBND thành phố Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động thương mại điện tử; xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến cạnh tranh, phát triển. Chủ động cập nhật các công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, kết nối khách hàng, bán hàng đa kênh...
Theo Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành hồi tháng 3/2021, chính quyền đặt mục tiêu xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm. Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn và tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 45%.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kỳ vọng thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 40% và 60% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.
Đối với việc phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, Hà Nội cũng dự kiến sẽ có khoảng 2.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.
Minh Thuỳ (T/h)