Phát triển khoa học công nghệ là giải pháp quan trọng để phát triển năng lượng tái tạo
Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu tổ chức “Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021” và “Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam - Vietnam Wind Power 2021”.
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021 đã chia sẻ, thảo luận về các chính sách và chương trình hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cho công nghiệp năng lượng, công nghệ xanh hướng tới phát triển bền vững và xu hướng công nghệ mới cùng với những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ khi Việt Nam tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu, với sự tham gia của các tổ chức quốc tế: UNDP, USAID, ADB, đại sứ quán các nước,… các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tới năng lượng.
Trong khi đó, Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam - Vietnam Wind Power 2021 sẽ mở ra cánh cổng cho năng lượng gió Việt Nam tiếp cận với công nghệ và giải pháp của thế giới, cùng với chia sẻ và bàn luận về chính sách để thúc đẩy tăng trưởng ngành năng lượng gió - trên bờ và ngoài khơi tại một trong những quốc gia năng động nhất của khu vực Đông Nam Á.
Chuỗi sự kiện giúp đưa ra bức tranh tổng quan về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang có nhiều phát triển mạnh mẽ; tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước,... đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng bền vững; đưa lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong năng lượng trở thành một lĩnh vực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường... Đề ra định hướng và phương án phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, chú trọng hiệu quả hoạt động, ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực; vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Từng bước tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến nhập khẩu, xây dựng và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ trong doanh nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng làm nền tảng phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng, tiến đến phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngang tầm khu vực và thế giới.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, việc phát triển các nguồn năng lượng khác bên cạnh năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu năng lượng ở Việt Nam, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết được bài toán thiếu hụt năng lượng, giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường vào bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chia sẻ về vai trò, vị trí của năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, dự thảo quy hoạch điện VIII đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại Hội nghị COP 26.
Một số quan điểm lớn trong Quy hoạch Điện VIII là giảm điện than; khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chú ý bảo đảm hiệu quả, hài hòa, cân đối của hệ thống. Trong đó, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Đây là nguồn năng lượng có tiềm năng nhưng trong thời gian qua chưa được phát triển.
Ông Hoàng Tiến Dũng cũng cho rằng, phát triển KHCN, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp rất quan trọng để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021.
Nhận định Việt Nam đang ở trong giai đoạn nhu cầu năng lượng tăng mạnh, ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra các thách thức và thể hiện vai trò lãnh đạo đúng đắn trong việc áp dụng chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỉ trọng năng lượng tái tạo như một phương thức để xây dựng một hệ thống năng lượng linh hoạt, đáng tin cậy với mức chi phí hợp lý cho quốc gia.
Điều này đã được thể hiện rõ trong cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 năm 2021 ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra thông điệp và cam kết Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.
“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng cam kết mạnh mẽ này sẽ thu hút được số lượng lớn các nguồn tài chính vào Việt Nam khi các tổ chức tài chính quan trọng đang tìm cách dịch chuyển đầu tư từ ngành nhiên liệu hóa thạch sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. Việt Nam nên tiếp tục tận dụng những cơ hội này để phát triển thành trung tâm năng lượng sạch trong tương lai ở Đông Nam Á và điều này sẽ mang lại cho Việt Nam lợi thế chiến lược đáng kể trong khu vực”, ông Ben Backwell nhấn mạnh.
Theo ông Ben Backwell, năng lượng gió hiện đã vượt mốc 4 GW lắp đặt tại Việt Nam và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của Việt Nam để hiện thực hóa yêu cầu “xóa bỏ dần than”. Để phát triển năng lượng gió đòi hỏi công nghệ đột phá để tăng mức giá cạnh tranh và cách tiếp cận có trách nhiệm để kiểm soát các tác động của nó.
Cũng tại Diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà khoa học đã trao đổi, chia sẻ về cơ chế chính sách, các chương trình khoa học về năng lượng, các công nghệ mới, cũng như xu hướng công nghệ mới đến từ đại diện các nước trên thế giới và những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khi Việt Nam tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Những đề xuất, kiến nghị sẽ được Bộ KH&CN tổng hợp, cùng với các bộ, ban ngành khác nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp nhằm phần thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khôi Nguyên (T/h)