Phú Thọ: Lão nông thành công nhờ “chuyển đổi số” nông nghiệp

10:57, 22/07/2023

Trải lòng về con đường “chuyển đổi số nông nghiệp”, ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Chủ HTX Mạnh Liên (Phú Thọ) tâm sự: “Đừng thấy thất bại mà ghê tay, hãy học hỏi kiến thức về khoa học từ chính cái smartphone”.

Lão nông Nguyễn Mạnh Hoàng chia sẻ chuyển đổi số với ông là thay đổi và thích ứng nhanh, áp dụng chuẩn công nghệ mà tăng thu nhập.

Nông nghiệp thời nay phải có kiến thức khoa học

Sinh ra ở vùng quê miến Hoài Đức (Hà Nội), sau khi xuất ngũ ông Nguyễn Mạnh Hoàng đã sang Liên Xô làm thuê. Thế nhưng ít lâu sau thì gặp biến cố, năm 1991 ông phải chạy loạn đói. Chính thời khắc khó khăn ở nơi xứ người ông nhận ra rằng lương thực, thực phẩm là thứ luôn giúp chúng ta sinh tồn.

Trở lại quê hương và nên duyên với con gái đất Tổ, ông Hoàng sang quê vợ mua ngôi nhà nhỏ ven Quốc lộ 32 ở xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) và đầu tư 2ha đất bãi ven sông Hồng trồng su su. Hàng năm, ông thu hoạch hàng chục tấn mỗi vụ trong khi người dân Phú Thọ còn chưa biết trồng loại quả này. Tuy nhiên, chi phí trồng quá cao, sâu bọ nhiều khiến lời lãi không được bao nhiêu nên ông quyết định chuyển sang trồng ổi.

"Nông dân trồng ổi mà bỏ công bọc ni lông chống bọ vàng từng quả thì rất tốn công, ổi bị nóng lõi chín ép, ăn nhạt thếch, mà cả năm chỉ có được một vụ. Tôi lắp khung thép quang màn lưới lên giời. Bốn mẫu hết 4 tỷ. Ổi chín thơm giòn, bán hết veo" - ông Hoàng vừa hái ổi vừa chia sẻ với chúng tôi. 

Niềm đam mê với nông nghiệp luôn cháy bỏng trong ông Hoàng. Thế nên dù đã 64 tuổi, giá trị khu nông nghiệp lên đến chục tỷ đồng nhưng đều đặn từ 4h30 sáng đến tối mịt ông Hoàng đều có mặt ở vườn dù nhà ông chỉ cách đó vài trăm mét. Hiện HTX của ông có bảy người làng làm thuê được trả lương 7 - 8 triệu đồng/người/tháng; chiếc smartphone và hệ thống camera hỗ trợ đắc lực coi sóc toàn bộ canh trại, nhưng ông Hoàng vẫn từng giờ sờ sẫm chăm bẵm từng nhành ổi, luống rau. 

Đến năm 2016, ông được cấp giấy phép thành lập HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên theo hướng phát triển nông nghiệp hiện đại. Do đó, ông đã đầu tư toàn bộ máy móc hiện đại, hệ thống tưới ngầm nhấn nút tự động, điện chiếu sáng công suất lớn, lưới giời giăng kéo bằng động cơ... Nhiều người cứ nghĩ ông đầu tư liều lĩnh, thế nhưng ông Hoàng cho rằng nông nghiệp thời nay phải có kiến thức khoa học, chứ kiểu dân dã truyền thống thì làm sao có ăn.

Ông cho rằng, chất lượng chính là chìa khóa giúp thị trường nông nghiệp có giá trị và đứng vững. Sử dụng thuốc trừ sâu chính là thứ giết chết đi khả năng kinh doanh của chính mình. Ông gom phân trâu bò về ủ hoai mục, đất xử lý kỹ, nước lắng từ sông Hồng đo đạt chỉ số sạch, mấy mẫu đu đủ cứ lớn như thổi. Khách đến thăm ông cho họ tự tay hái quả ăn tại chỗ, ai cũng khen ngon. Giờ căn nhà ven đường của ông là đại lý bày bán đu đủ sạch, mỗi ngày ông bán được hàng tấn đu đủ.

Ông Hoàng nói dân ta vẫn cho rằng hàng bẩn là sản phẩm được phun thuốc kích thích, lắm thuốc trừ sâu, thực ra đó chỉ là một phần tạo nên rau quả thiếu an toàn. "Tôi thử nghiệm hai luống rau muống cạn, một luống bón phân giun quế hữu cơ ủ kỹ, luống kia bón phân tươi chưa qua ủ. Rau hai luống đều tươi tốt như nhau, xanh non không phân biệt. Hái luộc lên thì rau ở luống bón phân sạch ra nước trong xanh, ăn giòn ngọt cực ngon, còn rau luống kia luộc ra nước đen kịt, ăn nhạt thếch. Nếu phải phun thuốc thì còn nhiều độc tố nữa" - lão nông kể chuyện một lần minh chứng cho đoàn cán bộ huyện đến thăm HTX Mạnh Liên.

“Chuyển đổi số” chính là bí quyết

Tại HTX của ông trồng các loại như ổi, dưa lê, dưa chuột giống ngoại, ông trồng thêm cả táo Đài Loan và cà chua giống mới. Chia sẻ bí quyết vì sao ông lại kinh doanh nông nghiệp thành công khi toàn hộ dân ở đây làm nông nghiệp thường được mùa thì mất giá và ngược lại. Lão nông cho rằng: "Bí quyết gì thì cũng là kiến thức. Giờ cập nhật công nghệ dễ ợt. Nông dân chịu đọc chút là ngon mà. Nó ở đây nè" - ông Nguyễn Mạnh Hoàng vừa nói vừa giơ cái smartphone lên.

Mô hình HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên theo hướng 4.0.

"Đất mang mẫu về Hà Nội hoặc Đại học Nông lâm Thái Nguyên mà nhờ phân tích, rồi về điều chỉnh chớ để nhiễm chì. Phân vi sinh an toàn cứ vào mạng mà tìm. Rất nhiều loại uy tín, mang về trộn vào luống đất diệt khuẩn như kiểu "thả cóc vào ăn sâu". Chế khuẩn trộn nước tưới lên. Hàng của Nhật cũng có. Hay là bón đạm, kiến thức và kinh nghiệm rất quan trọng, lỡ tay mà dư đạm là rất nguy hiểm.

Bón sunfat thì phải thận trọng, nên bón kali nitrat tự cây sinh đạm. Thoáng thấy bướm bay thì tung vôi bột lên cây, trứng bướm sẽ ung hủy. Hoặc vào mạng mà cảnh giới thời tiết, biết vài ngày nữa có mưa thì chớ phun thuốc, sâu sẽ tự chết. Hay bọn nấm đen muốn diệt thì phải xử lý con kiến ở gốc cây vì kiến cõng con rận lên ngọn, nấm đen lại cộng sinh với rận, không biết mà cứ phun thuốc lên ngọn thì... phun suốt ngày, sản phẩm ra chắc chắn dư độc, ăn vào dính ung thư...” - lão nông tỷ phú tươi cười chia sẻ chút kinh nghiệm nhưng rất khoa học và đôi lúc chất giọng vẻ nghiêm khắc.

Chia sẻ về thị trường tiêu thụ hoa quả, ông Hoàng cho rằng “chuyển đổi số” chính là bí quyết. Lão nông nói: "Điện thoại và online. Họ đặt hàng rất nhanh, rất tiện". Mối quen thì đánh xe tải đến tận trang trại. Hàng đi Việt Trì, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Hà Nội, Yên Bái, Nam Định, Hải Phòng... Các "trùm ship" là chỗ tiêu. Rau quả hái sáng, chiều đã vào bếp mọi nhà.

"Đi dự hội nghị về chuyển đổi số và bàn chuyện nhà nông làm giàu, tôi thấy họ nói hay nhưng vẫn xa vời. Tôi từng vào "chuỗi" nhưng thấy nhiều bất cập. Tôi đã vài lần thử mang hàng vào siêu thị, họ trút rau quả vào cái thùng lớn bày ra, khách hàng đến cứ bới nhặt, thế là chỉ vài người đầu tiên kiếm được món tươi, khách đến sau ngán luôn, củ quả nào mà chả nát. Thế là ế chỏng. Nhìn xót lắm" - ông Hoàng nâng quả đu đủ lên trải lòng. "Hàng đi theo chuỗi tiêu được món lớn nhưng giá cũng mắc. Quả đu đủ này phải chi tiền điện, tiền nhân viên chuỗi, tiền vận tải, tiền bảo quản, tiền thuê mặt bằng, làm sao giá rẻ được...”.

Chuyển đổi số với ông Hoàng nghĩa là thay đổi và thích ứng nhanh, áp dụng chuẩn công nghệ mà tăng thu nhập. Do đó HTX Mạnh Liên có tới 3 sản phẩm đạt OCOP. Bất luận thế nào, ông Hoàng khẳng định, sản phẩm của HTX Mạnh Liên khi đến tay người tiêu dùng mà không còn tươi ngon nữa, giá lại cao, thì "chuyển đổi số trong nông nghiệp" chưa thực sự thành công, và hàng bán mãi chả được thì "chuyển đổi số nỗi gì". Thêm nữa, chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao nhưng chỉ hướng đến doanh nghiệp lớn.

"Xã, huyện, cả tỉnh nữa, cứ nói mãi "số số" gì đó, nhưng tôi thấy nông dân có hiểu gì mấy. Cần có nhiều cuộc tập huấn chứ. Họ không được hỗ trợ trực tiếp, cụ thể. Có thể tầm quy mô của tôi chưa phải to tát gì nhưng nó phù hợp để nông dân chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, và có thể sáng kiến, kinh nghiệm của tôi là riêng lẻ, chưa cập với “chuyển đổi số quốc gia”, nhưng chắc chắn nhiều nhà nông vẫn tự hạn chế mình ngay bước chân đầu tiên trong thời đại số.

Thấy thất bại thì ghê tay. Họ chăm chỉ với cái cuốc mà không chịu tìm hiểu, nghiên cứu những thứ đang rất sẵn có về khoa học đầy rẫy trên mạng. Nông dân hãy đơn giản học hỏi kiến thức từ cái smartphone chứ đừng chỉ khám phá nó có chức năng gì. Dĩ nhiên nông dân mà, họ được đào tạo mấy về số đâu" - ông Nguyễn Mạnh Hoàng tâm sự.

Theo Tạp chí in số tháng 4+5+6/2023