PTIT giữ vai trò ‘không thể thiếu’ trong chiến lược đột phá về chuyển đổi số
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngày 20/12, tại Hà Nội, PTIT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ, cùng toàn thể lãnh đạo, giảng viên, sinh viên PTIT có thành tích xuất sắc trong năm vừa qua.
Vai trò quan trọng, không thể thiếu
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá cao kết quả PTIT đã thực hiện trong năm 2024, đồng tình với phương hướng nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho năm 2025, khẳng định Bộ TT&TT luôn tạo điều kiện tốt nhất để Học viện phát triển.
Với tư tưởng xuyên suốt giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công của cuộc chuyển đổi số quốc gia và là “lực lượng thực hiện kỷ nguyên vươn mình” theo lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết: “Ban cán sự Đảng Bộ TT&TT nhất quán quan điểm giữ vững phát triển PTIT tiếp tục ổn định, là đơn vị không thể thiếu của Bộ ‘hợp nhất’ Bộ Khoa học Công nghệ và Truyền thông sắp tới”.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: PTIT.
Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, Học viện giữ vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ “đột phá” chiến lược về nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tại báo cáo kết quả công tác năm 2024, PGS.TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện, cho biết PTIT là trường đại học đầu tiên của Việt Nam có riêng khoa đào tạo về trí tuệ nhân tạo, cũng như là cơ sở đầu tiên trong cả nước có chương trình đào tạo thiết kế và phát triển game. Nhờ ứng dụng toàn diện chuyển đổi số trong quá trình tuyển sinh các hệ đào tạo, số lượng sinh viên tuyển mới của PTIT đã tăng 21,16% so với 2023.
Năm 2024, sinh viên PTIT đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế như Giải Nhất Vòng thi Châu Á – Thái Bình Dương, Cuộc thi toàn cầu Tech4Good tại Trung Quốc, Giải Nhất hạng mục quốc gia Việt Nam, Cuộc thi AI Global Impact Festival của Tập đoàn Intel (Mỹ).
Hợp tác quốc tế cũng là một điểm sáng với việc Học viện khai trương thêm 1 văn phòng liên kết đào tạo tại Đại học Seoul Cyber (Hàn Quốc), thành lập Trung tâm Việt - Hàn, Việt - Nhật, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về khoa học công nghệ cấp quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, PTIT có 120 bài báo quốc tế (tăng 22,5% so với năm ngoái) và thực hiện 274 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học ở các cấp.
Xây dựng bản sắc, văn hóa riêng
Theo GS.TS Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng nhà trường, năm 2025 sẽ đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của PTIT, trường đặt mục tiêu trở thành hình mẫu về chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Trong đó, Học viện sẽ mở thêm ít nhất 2 chuyên ngành đào tạo mới, có tính liên ngành và lấy công nghệ số làm nền tảng, tiếp đà phát triển mở rộng quy mô song song với đảm bảo chất lượng đào tạo.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá cao kết quả PTIT đạt được trong năm 2024. Ảnh: PTIT.
“Trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực hoạt động, quản lý của từng đơn vị thuộc Học viện; tập trung xây dựng đại học số và ứng dụng toàn diện công nghệ trong công tác giảng dạy”, Chủ tịch Hội đồng PTIT nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phan Tâm nhận định, PTIT có tốc độ phát triển nhanh về quy mô, chất lượng và đổi mới, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng từ bên ngoài.
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, Thứ trưởng Bộ TT&TT đề nghị PTIT chú trọng xây dựng bản sắc văn hóa riêng, do văn hóa là yếu tố quyết định đến thành công dài hạn của Học viện trong bối cảnh thế giới biến động như hiện nay.
“Văn hóa PTIT là yếu tố quyết định đến thành công dài hạn, ổn định của Học viện. Văn hóa sẽ góp phần xây dựng bản sắc độc đáo cho Học viện, thể hiện giá trị cốt lõi và khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Văn hóa mạnh mẽ giúp tăng cường khả năng nhận diện thương hiệu, tạo ra ấn tượng tích cực, đồng thời cũng là yếu tố giúp thu hút và giữ chân nhân tài”, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, văn hóa là gốc rễ, song phát triển thương hiệu cần ứng biến linh hoạt với thời cuộc và từng thị trường cụ thể. Thứ trưởng gợi mở PTIT cần tìm ra một vài chuyên ngành mũi nhọn như AI, an toàn thông tin,… để xây dựng thương hiệu bền vững, giống như “giai đoạn 1997-1998, nhắc đến PTIT là nhắc tới đào tạo điện tử viễn thông”, đồng thời khẳng định thời gian tới Học viện cần tận dụng tốt các lợi thế để xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững.