Quản lý nhà giáo phù hợp với các đặc trưng của nghề dạy học trong giai đoạn mới

09:31, 11/07/2024

Cần xác định rõ những đặc trưng nổi bật về vai trò, vị trí và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để làm cơ sở cho việc quy định các yêu cầu về quản lý nhà giáo phù hợp với các đặc trưng của nghề dạy học, giáo dục trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP/Phương Liên

Ngày 10/7, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến với một số nội dung chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo. 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.

Cùng dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực; đại diện một số sở cơ sở giáo dục đại học, Sở GD&ĐT và các chuyên gia, nhà khoa học.

Cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo

Báo cáo tiến độ triển khai biên soạn dự án Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo đã được chuẩn bị nghiêm túc tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 14 bộ, cơ quan; 22 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ đối với khoảng 800.000 nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã có dự thảo bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý và đang tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, các đơn vị còn lại có ý kiến góp ý.

Tại phiên họp, các đại biểu nhất trí quan điểm về sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo và đóng góp ý kiến về nhiều nội dung: Quản lý nhà nước về nhà giáo; hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo; giấy phép hành nghề dạy học; những vấn đề trong phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; đánh giá về tính cấp thiết, ý nghĩa và các nội dung cần đưa vào Luật.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, cần định danh rõ khái niệm nhà giáo trong Luật Nhà giáo, đặc biệt là xác định rõ những đặc trưng nổi bật về vai trò, vị trí và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để làm cơ sở cho việc quy định các yêu cầu về quản lý nhà giáo phù hợp các đặc trưng của nghề dạy học, giáo dục trong giai đoạn mới.

TS. Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, Luật Nhà giáo cần quy định thống nhất các yêu cầu về chuẩn nhà giáo (chuẩn nghề nghiệp nhà giáo) và chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục; phân công, phân cấp quản lý nhà giáo bảo đảm các cơ quan của ngành giáo dục được chịu trách nhiệm chính, chủ động tham mưu với Chính phủ, với UBND các cấp và tổ chức thực hiện toàn bộ các khâu về công tác quản lý nhà giáo đồng bộ từ đào tạo, tuyển dụng đến sử dụng, đánh giá, bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, Luật Nhà giáo cũng cần quy định rõ nội dung quản lý nhà giáo và cơ chế tự chủ trong quản lý nhà giáo của các cơ sở giáo dục như là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, quy định rõ quyền tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của nhà trường và nhà giáo.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng nội dung về "giấy phép hành nghề nhà giáo" rất hay, sẽ góp phần nâng cao chất lượng nhà giáo, chất lượng giáo dục, cũng đặt ra yêu cầu nhà giáo phải luôn học hỏi. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, đánh giá tác động nhiều chiều của quy định này đối với nhiều đối tượng (giáo viên, phụ huynh) và rà soát, bảo đảm tính tương thích với các điều luật khác trong dự thảo Luật. 

Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến với một số nội dung chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo - Ảnh: VGP/Phương Liên

Yêu cầu nhà giáo phải nỗ lực, cố gắng không ngừng, thường xuyên

Phát biểu kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhấn mạnh, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu toàn diện, sâu sắc, triệt để các ý kiến góp ý. Trong đó, xem xét gia tăng tính khả thi, những chi tiết, nội dung nếu thấy cần thiết; gia tăng lấy ý kiến và cân nhắc kỹ lưỡng từng nội dung. Một số nội dung được đại biểu đưa ra trong phiên họp cũng được Bộ trưởng chia sẻ, trao đổi lại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, sau một quá trình khá dài thuyết minh, đề xuất, đầu năm 2024, nhiệm vụ xây dựng Luật Nhà giáo được thống nhất đưa vào vào các nhiệm vụ của Chính phủ, Quốc hội. Theo kế hoạch, đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV sẽ trình dự thảo Luật ra Quốc hội lần đầu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật Nhà giáo đặt ra vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới quản lý lực lượng nhà giáo, đem lại nhiều điều cho nhà giáo, nhưng cũng yêu cầu nhà giáo phải nỗ lực, cố gắng không ngừng, thường xuyên. Đó là đòi hỏi của thời đại, của sự đổi mới.

Đây là luật mới, yêu cầu cao, kỳ vọng lớn, thời gian gấp gáp, nên các công việc phải tiến hành rất khẩn trương. Trong đó, việc phát huy trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục, những nhà giáo có kinh nghiệm... là điều quyết định chất lượng khi xây dựng luật này. 

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/quan-ly-nha-giao-phu-hop-voi-cac-dac-trung-cua-nghe-day-hoctrong-giai-doan-moi-102240710184148702.htm