Ngành giáo dục đẩy nhanh tốc độ, lưu ý chất lượng trong nửa cuối 2024
Những tháng cuối năm, ngành giáo dục quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị
Ngày 3/7, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ GD&ĐT.
Kết quả các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng đầu năm
Bộ GD&ĐT cho biết ngay từ đầu năm 2024, các đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm 2024 của bộ, của ngành.
Nhiều nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện đã được rà soát, tích hợp với các nội dung, công việc đang triển khai của bộ, của ngành giáo dục, không để sót nhiệm vụ.
Công tác xây dựng và triển khai chương trình soạn thảo văn bản và kế hoạch nhiệm vụ được thực hiện tích cực. Trong quý II năm 2024, các đơn vị đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền: 1 Nghị quyết; 1 Nghị định; 2 Chỉ thị; 1 Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 1 đề nghị xây dựng Luật; 9 Thông tư và 5 quyết định cá biệt của Bộ trưởng. Bên cạnh đó, các đơn vị đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ký ban hành 5 văn bản.
Tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, các cơ quan có liên quan và hoàn thiện, trình Thường trực Ban Bí thư xem xét ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Chuẩn bị chu đáo các nội dung phục vụ Bộ trưởng tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
Bộ GD&ĐT đồng thời hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non; hoàn thiện, gửi xin ý kiến góp ý các bộ, ngành, địa phương đối với hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; tiếp tục triển khai hiệu quả dự án hỗ trợ chăm sóc trẻ em mầm non tại các khu công nghiệp.
Hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt danh mục sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12; tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, lớp 8, lớp 11 của 63 tỉnh/thành phố; danh mục sách giáo khoa môn Giáo dục quốc phòng và An ninh lớp 12; chương trình giáo dục tích hợp (giữa Chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam với một số Chương trình giáo dục phổ thông quốc tế); tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1.
Tiếp tục thẩm định sách giáo khoa các môn Ngoại ngữ 1; Ngoại ngữ 2 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số lớp 1, 2, 3 đối với 8 thứ tiếng.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các sở GD&ĐT, Nhà xuất bản GD và các đơn vị liên kết tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 và cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng sách giáo khoa năm học 2024 - 2025 đến các cơ sở giáo dục phổ thông.
Hướng dẫn các sở GD&ĐT tổ chức triển khai thực hiện thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật học bạ số làm căn cứ để triển khai chính thức cho bậc phổ thông. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn theo đúng quy định.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được tổ chức thành công vào các ngày 27-28/6 đảm bảo nghiêm túc và an toàn, với tổng số thí sinh dự thi là 1.071.393 đạt tỷ lệ 98,96% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi, với tổng số 2.323 điểm thi và 45.149 phòng thi. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng cao. Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học năm học 2023 - 2024 cấp quốc gia, quốc tế tại Hoa kỳ và các Kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục đạt kết quả cao. Thành tích xuất sắc của các đội tuyển tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng tập huấn học sinh giỏi.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam được đẩy mạnh. Xây dựng kế hoạch triển khai thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn; hình thành liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam.
Bộ GD&ĐT đồng thời hoàn thiện và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục đại học và nhân dân đối với dự thảo hồ sơ dự án Luật Nhà giáo. Trình Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018 nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới.
Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng quy định thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và triển khai nghiên cứu chế độ phụ cấp ưu đãi viên chức ngành giáo dục.
Công tác cải cách thủ tục hành tiếp tục được triển khai cơ bản đảm bảo. Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của Bộ GD&ĐT đạt 80,53, xếp thứ 12/17 các bộ, cơ quan ngang bộ (tăng 2 bậc so với năm 2022).
Tổ chức thành công và tham dự nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương. Chuẩn bị chu đáo tài liệu phục vụ lãnh đạo Bộ làm việc với một số quốc gia, tổ chức quốc tế và một số địa phương...
Đẩy nhanh tốc độ, lưu ý chất lượng
Ghi nhận những cố gắng nỗ lực của toàn thể cơ quan bộ vì nhiệm vụ chung trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh lại những kết quả Bộ GD&ĐT đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, cũng như nội dung còn hạn chế, tồn tại.
Lưu ý những công việc quan trọng trong thời gian tới, Bộ trưởng nhắc đến đầu tiên việc tiếp tục đẩy nhanh tốc độ và chất lượng chuẩn bị, biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động Bộ triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.
Một nội dung quan trọng khác là loạt các công việc chuẩn bị cho năm học mới cả phổ thông và đại học; các công việc triển khai Chương trình Giáo dục mầm non mới (thí điểm) và Chương trình GDPT 2018; tháo gỡ khó khăn trong xuất bản sách giáo khoa tiếng dân tộc…
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cục, vụ, Bộ trưởng đưa yêu cầu đẩy nhanh tốc độ, lưu ý chất lượng, tăng cường cải tiến phương pháp làm việc để hoàn thành công việc rất lớn và ngày càng lớn phía trước.
Những tháng cuối năm 2024, ngành giáo dục quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 nói chung và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục đã đề ra.
Theo Báo điện tử Chính phủ