Xây dựng và thúc đẩy giáo dục toàn diện trong giảng dạy tiếng Anh cho học sinh
Nhằm tích hợp giáo dục toàn diện vào giảng dạy tiếng Anh, VUS TESOL 2024 đã trở lại với chủ đề: "Xây dựng và thúc đẩy giáo dục toàn diện trong giảng dạy tiếng Anh cho học sinh", mang đến nhiều góc nhìn, tư liệu hữu ích về giáo dục toàn diện, có tính ứng dụng cao trong việc dạy học trong thời đại ngày nay.
VUS TESOL 2024 đã trở lại với chủ đề: "Xây dựng và thúc đẩy giáo dục toàn diện trong giảng dạy tiếng Anh cho học sinh" thu hút gần 3.000 người tham gia - Ảnh: VGP/MT.
Ngày 28/6, Hội nghị bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ cho giáo viên tiếng Anh VUS TESOL 2024 diễn ra tại TPHCM đã thu hút gần 3.000 người tham gia. Đây là sự kiện đánh dấu mốc tổ chức lần thứ 20 của VUS TESOL trong việc thực hiện sứ mệnh nâng cao năng lực giảng dạy Anh ngữ cho giáo viên.
Theo xu hướng của giáo dục quốc tế
Hội thảo VUS TESOL 2024 với chủ đề "Embracing holism in ELT for life education", không chỉ cung cấp kiến thức học thuật, mà còn trang bị hiệu quả cho người học những kỹ năng để giải quyết các thách thức trong học tập cũng như trong cuộc sống. Theo đó, VUS TESOL 2024 đã đi sâu giới thiệu các giải pháp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp giáo dục toàn diện vào giảng dạy tiếng Anh, đi sâu vào các chiến lược thực tế, phương pháp đổi mới và những nghiên cứu thành công giúp khẳng định những lợi ích của việc tích hợp này.
Xuyên suốt trong sự kiện, các phiên chủ đề được chia sẻ, thảo luận trải rộng từ mang tính thực tiễn về nâng cao giảng dạy Anh ngữ qua các nền tảng kỹ thuật số, cách phá bỏ các rào cản giảng dạy ngữ âm, đến khơi dậy niềm đam mê học tiếng Anh cho học sinh,… được chia ra thành các phiên chia sẻ toàn thể và phiên chia sẻ chuyên đề. Người tham gia được tuỳ ý lựa chọn tham gia các phiên chia sẻ mình quan tâm.
PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) đánh giá, VUS là hệ thống giáo dục tiếng Anh thể hiện tính vượt trội trong chuyên môn. Qua 20 kỳ, VUS TESOL cho thấy tính trách nhiệm cộng đồng cao của một trung tâm ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Năm nay chủ đề giáo dục toàn diện là một chủ đề hay và thiết thực.
"Chủ đề này đã gợi mở ra các hướng đa dạng để tiếp cận về giảng dạy tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ, mà còn tích hợp các kỹ năng phát triển bản thân giúp giáo viên tìm đường hướng đi mới trong cách giảng dạy. Đây là cơ hội tốt để giáo viên tiếp cận với những xu thế giáo dục đổi mới, tạo động lực khuyến khích cho những giáo viên có sự thay đổi", PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh nhận xét.
PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/MT.
Quy tụ gần 30 diễn giả hàng đầu trong và ngoài nước
Sự kiện có sự tham gia của gần 30 diễn giả là chuyên gia hàng đầu đến từ đối tác uy tín của VUS như: National Geographic Learning, Oxford University Press, Macmillan Education, Cambridge University Press and Assessment... cùng nhiều đại diện các cơ quan, giáo viên tiếng Anh các cấp, sinh viên Việt Nam và các nước lân cận.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Kieran Donaghy đến từ NXB Đại học Oxford (OUP) đã chia sẻ trong chủ đề "Phát triển khả năng đa phương thức trong giảng dạy tiếng Anh (ELT)" là làm thế nào để phát triển kỹ năng giao tiếp toàn diện.
Ông Kieran Donaghy phân tích các khái niệm quan trọng về quan sát và trình bày, cũng như cách áp dụng những khái niệm phát triển khả năng đa phương thức vào thực tiễn lớp học. Song song đó, ý nghĩa của khả năng đọc, viết đa phương thức đối với cách thức và nội dung dạy cũng được ông làm sáng tỏ.
Bên cạnh đó, diễn giả Iris Thiri Su đến từ ELI Publishing cũng tổng hợp nghiên cứu qua phiên chủ đề chia sẻ "Chiến lược làm bài thi thảnh thơi: Trang bị cho học sinh YLE các kỹ thuật hiệu quả". Theo ông Iris Thiri Su, điều quan trọng đối với giáo viên là giúp học sinh phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc, như kỹ năng học tập tại lớp.
Đặc biệt, điểm cập nhật mới của VUS TESOL là sự xuất hiện của phiên tranh luận (The debate) với vấn đề được đặt ra là: Học viên cần chú trọng vào kết quả các kỳ kiểm tra năng lực, hay giá trị và kỹ năng tích lũy được từ lớp học. Thành phần tham gia phiên tranh luận này bao gồm ông Allen Davenport (NXB Đại học Cambridge), ông Andrew Duenas (NXB National Geographic Learning), ông Blue Melia (NXB Macmillan Education) và ông Kieran Donaghy (NXB Đại học Oxford). Bốn chuyên gia được chia làm hai luồng tranh luận để đưa ra những quan điểm của mình. Người tham gia được tích lũy thêm góc nhìn đa chiều, toàn diện hơn về vấn đề đặt ra, cũng như được đặt câu hỏi, đóng góp ý kiến tham gia cùng các diễn giả.
VUS TESOL 2024 quy tụ gần 30 diễn giả hàng đầu trong và ngoài nước - Ảnh: VGP/MT.
VUS TESOL giúp kết nối chia sẻ của những người làm giáo dục
Trong hành trình nuôi khát vọng vươn xa qua việc trau dồi năng lực ngoại ngữ cho thế hệ trẻ Việt Nam, VUS thấu hiểu vai trò quan trọng của giáo viên - những người trực tiếp đồng hành cùng học sinh để giúp các em khơi mở từng bước tiến mỗi ngày, hướng tới tương lai tươi sáng.
Hiểu rằng, các giáo viên không chỉ cần bồi dưỡng năng lực giảng dạy, mà còn có nhu cầu cập nhật các xu hướng giáo dục mới để sáng tạo hơn cho các bài giảng cho thế hệ trẻ, VUS luôn tạo điều kiện cộng đồng tham gia các khóa bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ hoàn toàn miễn phí với các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực như VUS TESOL.
Từ kỳ hội nghị đầu tiên vào năm 2006, mỗi kỳ VUS TESOL đều mang đến những chủ đề cập nhật xu hướng giáo dục toàn cầu mới, như: Bứt phá giới hạn của giáo dục trực tuyến (năm 2021), giảng dạy tiếng Anh trong tương lai: Hướng khai thác và triển khai thực tế (năm 2022), hay thúc đẩy góc nhìn đa chiều trong giảng dạy tiếng Anh (năm 2023). Tất cả đều chung một mục tiêu là mang đến những chia sẻ thú vị, khơi mở những ý tưởng đột phá cho tương lai của giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam cũng như trong khu vực.
"Đây là lần thứ 10 tôi tham gia VUS TESOL. Tôi thấy chủ đề năm nay rất hay, đem đến cho tôi mình những suy nghĩ mới về giảng dạy tiếng Anh mang tính toàn cầu. Tôi nghĩ giáo viên nên tham gia hội nghị này để góp phần nâng cao kiến thức và thêm kiến thức mới về giảng dạy tiếng Anh", một giáo viên tham dự hội nghị chia sẻ.
Theo Báo điện tử Chính phủ