Quảng Nam tổ chức cuộc thi tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số trên sóng truyền hình
Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam vừa phối hợp với Đài PT-TH tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi tìm hiểu cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS) trên sóng truyền hình năm 2023. Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai cuộc thi này. Để rõ hơn mục đích, thông điệp của cuộc thi, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Ngọc Quyên – Phó Giám đốc Sở TT&TT Quảng Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban tổ chức cuộc thi.
Phạm Thị Ngọc Quyên – Phó Giám đốc Sở TT&TT Quảng Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban tổ chức cuộc thi
Phóng viên: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay. Thưa bà, xuất phát từ đâu mà tỉnh Quảng Nam triển khai tổ chức cuộc thi tìm hiểu CCHC&CĐS trên sóng truyền hình năm 2023?
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên: Hiện nay, CCHC&CĐS là xu thế tất yếu, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Đối với tỉnh Quảng Nam thì rất quyết tâm thực hiện 2 nhiệm vụ này. Tỉnh cũng đã ban hành rất nhiều văn bản, nghị quyết thực hiện quyết liệt hai nhiệm vụ này nhằm đưa Quảng Nam vào tốp khá của cả nước trong công tác thực hiện CCHC&CĐS.
Trong quá trình đó thì nhiệm vụ tuyên truyền giữ vài trò rất quan trọng, cần phải đa dạng hóa các hình thức, làm sao cho phù hợp dễ dàng giúp người dân tiếp cận để hưởng ứng thực hiện hiệu quả cao nhất. Xuất phát từ mục tiêu đó nên năm 2023, chúng tôi đề xuất tỉnh cho chủ trương tổ chức cuộc thi tìm hiểu CCHC&CĐS trên sóng truyền hình nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến với toàn dân trên địa bàn.
Phóng viên: Vậy thông điệp mà Ban tổ chức cuộc thi muốn chuyển tải đến khán giả là gì, thưa bà?
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên:Thông qua cuộc thi này chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Bởi vì đây là lực lượng chính tham gia triển khai thực hiện CCHC&CĐS của tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay. Và thông qua cuộc thi này cũng sẽ lan tỏa nội dung về CCHC&CĐS đến với người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Bởi vì mục tiêu cốt lõi của CCHC&CĐS là hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp; nâng cao văn hóa khai thác và ý thức sử dụng công nghệ thông tin từ gia đình đến xã hội nhằm hướng tới các ứng dụng lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, góp phần hình thành xã hội số, gắn kết với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho người sử dụng.
Phóng viên: Được biết, Quảng Nam là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức cuộc thi tìm hiểu CCHC&CĐS trên sóng truyền hình. Vậy chúng ta đang có những thuận lợi và thách thức nào không?
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên:Đây là cuộc thi đầu tiên trong cả nước nên sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Về thuận lợi là khi chúng tôi đề xuất ý tưởng tổ chức cuộc thi thì nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và sự hưởng ứng của các địa phương, đơn vị đồng hành tài trợ. Thứ hai là Quảng Nam hiện nay rất quan tâm và quyết liệt thực hiện CĐS gắn với CCHC nên cuộc thi sẽ là dịp để tuyên tuyền quan điểm, chủ trương, định hướng của tỉnh đến với các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp.
Về khó khăn, do là lần đầu tiên tham gia cuộc thi tìm hiểu CCHC&CĐS trên sóng truyền hình nên sẽ có những bỡ ngỡ cho các đơn vị tham gia tranh tài và ban tổ chức. Các địa phương cần có sự chuẩn bị hết sức chu đáo để tham gia cuộc thi. Ban tổ chức cũng phải tập trung xây dựng khung chương trình thi từ hình thức đến nội dung phải phù hợp sát với thực tiễn CCHC&CĐS của tỉnh trong giai đoạn hiện nay cũng như phải đảm bảo truyền tải nội dung phong phú đến với người xem để dễ dàng tiếp thu và đồng hành thực hiện. Tuy nhiên với quyết tâm cao nên chúng tôi sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đảm bảo cho cuộc thi năm sau kịch tính, cuốn hút hơn năm trước.
Phóng viên: Cuộc thi được tổ chức trên sóng truyền hình nên sẽ thu hút đông đảo khán giả quan tâm, bà có thể chia sẻ thêm một số thông tin về cuộc thi để khán giả được nắm bắt?
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên:Để cho cuộc thi diễn ra thành công và chuyển tải được thông điệp về hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số vì lợi ích quốc gia dân tộc thì chúng tôi đã có sự chuẩn bị khá chu đáo cho công tác chuẩn bị. Theo đó cuộc thi sẽ có 18 đội đến từ 18 huyện, thị xã, thành phố tham gia tranh tài ở 6 cuộc thi vòng loại, 2 cuộc thi bán kết và 1 cuộc thi chung kết.
Ban Tổ chức cuộc thi họp cho ý kiến về phầm mềm thi CCHC&CĐS trên truyền hình.
Các đội sẽ trải qua 4 phần thi bao gồm Chào hỏi, Sáng tạo số, Kỹ năng số và cuối cùng là Tăng tốc số. Trong đó, phần thi sáng tạo số là cơ hội để các đội thi thuyết trình về mô hình hoặc cách làm hay, hiệu quả trong lĩnh vực chuyển đổi số và CCHC&CĐS của địa phương mình. Cạnh đó ở phần thi Kỹ năng số và Tăng tốc số yêu cầu các đội thi bám vào các chủ trương, chính sách về CCHC&CĐS để tham gia cuộc thi thắng lợi.
Chúng tôi hy vọng với 4 phần thi như vậy sẽ hấp dẫn được người xem và cũng sẽ lan tỏa được nội dung về CCHC&CĐS cho toàn dân hưởng ứng, đồng hành với chính quyền để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Sau khi hoàn thành cuộc thi của năm 2023, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục tổ chức cuộc thi cho các năm sau. Qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở nắm vững lộ trình CCHC&CĐS, đồng thời lan toả các nội dung, thông điệp đến người dân và doanh nghiệp toàn tỉnh. Chúng tôi sẽ cầu thị đổi mới nội dung để cuộc thi ngày càng hấp dẫn lôi cuốn khán giả trong và ngoài tỉnh.
Với sự quyết tâm rất lớn của Ban tổ chức và sự hưởng ứng tích cực từ các địa phương, chúng tôi kỳ vọng cuộc thi tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số trên sóng truyền hình năm 2023 của tỉnh Quảng Nam sẽ diễn ra thuận lợi.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian cho chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay và chúc cho cuộc thi sẽ thành công tốt đẹp!
Theo thể lệ, mỗi cuộc thi có 03 đội tham gia. Tổng cộng 18 đội thi sẽ trải qua 06 cuộc thi vòng loại để chọn 06 đội có số điểm cao nhất tham gia vòng bán kết. 02 đội nhất và đội nhì có số điểm cao nhất ở vòng bán kết sẽ tham gia cuộc thi chung kết năm. Nếu 02 đội đứng nhì có số điểm bằng nhau thì sẽ thi gói câu hỏi dự phòng để giành quyền đi tiếp. Vòng loại có 06 giải nhất (4.000.000 đồng/giải), 06 giải nhì (2.000.000 đồng/giải), 06 giải ba (1.000.000 đồng/giải). Vòng bán kết có 02 giải nhất (6.000.000 đồng/giải), 02 giải nhì (4.000.000 đồng/giải), 02 giải ba (2.000.000 đồng/giải). Vòng chung kết có 01 giải nhất 8.000.000 đồng, 01 giải nhì 5.500.000 đồng và 01 giải ba 4.000.000 đồng. Cuộc thi sẽ được khai mạc vào ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2023 tại Phim trường có khán giả Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam. |
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông