Quảng Nam thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt
Tỉnh thực hiện thí điểm tại huyện Đại Lộc và thành phố Hội An; khuyến khích các địa phương còn lại lựa chọn từ 1 đến 2 đơn vị cấp xã để triển khai thí điểm trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố làm cơ sở tổng kết nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh kể từ năm 2024.
Ảnh minh hoạ.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối tượng triển khai thực hiện gồm: Người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào, người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Campuchia đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, theo dõi thực hiện chế độ ưu đãi.
Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng; hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; người hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 43/20221/NQHĐND ngày 7/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam; người đang hưởng chính sách hỗ trợ cải thiện mức sống theo quy định tại Nghị quyết số 14/2022/NQHĐND ngày 21/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2023, tỉnh sẽ thực hiện thí điểm tại huyện Đại Lộc và thành phố Hội An; khuyến khích các địa phương còn lại lựa chọn từ 1 đến 2 đơn vị cấp xã để triển khai thí điểm trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố làm cơ sở tổng kết nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh kể từ năm 2024.
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện.
Việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt trợ cấp ưu đãi người có công và bảo trợ xã hội không làm phát sinh thủ tục hành chính, không làm ảnh hưởng đến chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các nhóm đối tượng này. Quy trình chi trả phải đảm bảo đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, sử dụng và phù hợp với các nhóm đối tượng chính sách và điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, chủ động, phối hợp đồng bộ và thực hiện hiệu quả của đơn vị cung ứng dịch vụ chi trả. Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội có quyền lựa chọn hình thức chi trả phù hợp, khuyến khích đối tượng nhận tiền qua tài khoản ngân hàng để đảm bảo mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, với chi phí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng hưởng lợi…
Theo Báo Điện tử Dân Sinh