Quảng Ninh Khoa học & Công nghệ tạo động lực để phát triển bền vững

Minh Hà 15:33, 26/04/2020

KH&CN luôn được xem là tiền đề cho sự phát triển của từng lĩnh vực, từ công nghiệp đến nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, giáo dục, quản lý nhà nước… Cùng với sự nỗ lực từ các địa phương, hoạt động KH&CN ngày càng được quan tâm và có nhiều bứt phá, qua đó, đóng góp tích cực vào thành tựu chung về KT-XH của tỉnh.

Mô hình trồng rau an toàn tại Khu nông nghiệp công nghệ cao của VinEco (TX Đông Triều).

Ghi nhận nhiều thành tựu

Khi KH&CN được ứng dụng sâu vào các hoạt động phát triển kinh tế, TX Đông Triều càng khẳng định vị thế tiên phong của mình. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây và Hoàng Quế với diện tích 106ha đã và đang đưa ngành sản xuất nông nghiệp của địa phương này trở thành “lá cờ đầu” trong tỉnh. Với 100% diện tích sản xuất đều ứng dụng các công nghệ cao như cơ giới hóa, tự động hóa đến từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, khu nông nghiệp đang cung cấp cho thị trường hàng chục tấn rau, củ, quả sạch/ngày. Bên cạnh đó, thị xã cũng chú trọng triển khai và duy trì hiệu quả nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KH&CN như mô hình rau thủy canh, sản xuất rau củ quả an toàn trong nhà lưới, nhà màng; mô hình trồng na, vải theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình trồng khoai tây Atlantic... để nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

Hay như tại Đầm Hà, việc phát triển các vùng nuôi tôm giống và tôm thương phẩm công nghệ cao đã mang lại những bước tiến mới cho ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương. Với Dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại xã Tân Lập, trong năm 2019 Công ty CP Thủy sản Việt Úc đã chính thức sản xuất mẻ tôm giống thẻ chân trắng đầu tiên với 12 triệu con tôm post, đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ phục vụ người nuôi tôm trong tỉnh. Không chỉ giải quyết bài toán về con giống chất lượng mà còn mở ra hướng phát triển mới cho ngành tôm Quảng Ninh theo hướng hiện đại.

Trong lĩnh vực giáo dục có thể nhắc đến TP Hạ Long với hệ thống các cơ sở giáo dục từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT được quan tâm đầu tư hạ tầng giảng dạy đồng bộ, hiện đại. 4 năm trở lại đây, ngành giáo dục thành phố đã đầu tư 789 phòng học thông minh tại 33 trường học (đạt 100% số trường tiểu học, THCS trên địa bàn)... Qua đó, góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh cũng như đưa ngành giáo dục của Hạ Long bắt nhịp kịp thời với thời kỳ công nghệ số.

Không chỉ Hạ Long, Đông Triều, Đầm Hà mà tại các địa phương khác trong tỉnh, hoạt động KH&CN cũng đang ghi dấu thành công trong từng lĩnh vực. Từ đó, tham góp nhiều thành tích vào phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh Quảng Ninh.


Một tiết học của học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng (TP Hạ Long) được giảng dạy bằng hệ thống thiết bị hiện đại.

Tiếp tục tăng cường tiềm lực KH&CN

Thực hiện Nghị quyết 07 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN, hàng năm các địa phương đều dành ít nhất 4% ngân sách để chi cho các hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển KT-XH. Tính riêng trong năm 2019, nguồn lực từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh dành cho việc triển khai các đề tài, nhiệm vụ, thúc đẩy hoạt động KH&CN xấp xỉ 30 tỷ đồng. Trong đó, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, y và dược, kỹ thuật và công nghệ, quản lý nhà nước, giáo dục... Tiêu biểu như Đông Triều 10 tỷ đồng, Tiên Yên 3,2 tỷ đồng, Hạ Long 3,3 tỷ đồng, Bình Liêu 1 tỷ đồng, Móng Cái 2,8 tỷ đồng.

Nguồn sự nghiệp KH&CN của tỉnh cũng đã hỗ trợ 1 tỷ cho các đơn vị và 13 huyện, thị xã, thành phố để triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN cấp huyện; 6,8 tỷ đồng cho thực hiện 33 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở ủy quyền cho các sở, ngành, địa phương.


Áp dụng KH&CN vào các khâu chế biến đã nâng giá trị sản phẩm trà hoa vàng của Ba Chẽ.

Để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho KH&CN, các địa phương cũng đã chủ động ban hành các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn vốn khác ngoài ngân sách sự nghiệp khoa học. Trong đó chủ yếu là huy động, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của KH&CN tại cơ sở chính là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng người dân và doanh nghiệp. Điển hình như TP Cẩm Phả, những năm qua, địa phương này đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động về phát triển KH&CN. Đồng thời phổ biến xuống từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nắm vững quan điểm, định hướng cũng như các giải pháp phát triển KH&CN của thành phố. Để phát triển nguồn nhân lực về KH&CN, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường tham gia các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật do tỉnh tổ chức nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo, phát hiện và khai thác khả năng sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời tìm kiếm các mô hình, sản phẩm, giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng đời sống, có tính ứng dụng vào thực tiễn, tăng giá trị, hiệu quả lao động.


Các địa phương cũng tăng cường khuyến khích đầu tư áp dụng KH&CN vào lĩnh vực y tế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân - Trong ảnh: Phẫu thuật u não tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Tỉnh Quảng Ninh đang tiến đến mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước yêu cầu đó, việc tăng cường hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào các lĩnh vực cần tiếp tục đẩy mạnh. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng cần có những giải pháp mạnh mẽ, bứt phá hơn để thúc đẩy KH&CN tại cơ sở; trong đó, quan tâm bố trí nguồn lực thích đáng cũng như có cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN.

Theo "Quảng Ninh Portal"