Quảng Ninh ứng dụng smartphone hỗ trợ phòng, chống dịch 2019-nCoV
“Smart Quảng Ninh” phản ứng nhanh trước dịch Covid-19
Ứng dụng "Smart Quảng Ninh" trên smartphone được cập nhật thêm mục "Phòng chống dịch Corona" (nay là mục "Phòng chống dịch nCoV") khá sớm từ cuối tháng 1/2020 khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bắt đầu phát triển phức tạp ở Việt Nam.
Sau đó ngày 31/1 trên Báo Quảng Ninh đã có ngay clip hướng dẫn cài đặt "Smart Quảng Ninh" để cập nhật thông tin về nCoV. Ứng dụng của Quảng Ninh là một trong những kênh khá thuận lợi để chính quyền địa phương phản ứng tức thời trước dịch bệnh.
Nhìn lại từ khởi điểm, ứng dụng "Smart Quảng Ninh" được đưa vào vận hành vào tháng 8/2019, là một phần trong hệ thống Trung tâm Điều hành thành phố thông minh được tỉnh nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường, cuộc sống tươi đẹp, phục vụ tốt cho người dân.
Trung tâm điều hành thành phố thông minh có quy mô tích hợp đồng bộ nhất hiện nay tại Việt Nam, có thể ví như "bộ não" của tỉnh, được tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh, giúp có được một cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh.
Với ứng dụng "Smart Quảng Ninh", người dân có thể gửi ý kiến góp ý hoặc thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, các vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường… bằng vài thao tác bấm nút đơn giản trên điện thoại di động.
Người dân sẽ được tiếp cận thông tin phong phú và các tiện ích hỗ trợ trong lĩnh vực giao thông (cẩm nang giao thông, các điểm đỗ xe, cây xăng, garage, đặt vé máy bay, tàu, xe với giá ưu đãi…), y tế (thông tin nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện, kiến thức y học thường thức, cách chăm sóc sức khoẻ, đặt lịch khám trực tuyến…), giáo dục & đào tạo (học ngoại ngữ miễn phí…).
Và trong đợt dịch virus Corona mới hiện nay, "Smart Quảng Ninh" có thể giúp người dân có nguồn thông tin chính thống về phòng chống dịch, được cập nhật các thông tin chỉ đạo điều hành, và có thêm kênh liên hệ với chính quyền và các cơ quan chức năng khi cần thiết. Đây có thể là kiểu mẫu cho các địa phương khác tham khảo.
Hiện nay trong mục "Phòng chống dịch nCoV" có các chuyên mục như "Thông tin chỉ đạo của Trung ương", "Thông tin chỉ đạo của Tỉnh", "Thông tin chỉ đạo Ngành Y tế", "Hướng dẫn phòng chống dịch nCoV", "Thông tin về dịch bệnh nCoV", "Biểu mẫu báo cáo dịch bệnh", và "Phóng sự triển khai phòng chống dịch nCoV".
Ngoài ra trên ứng dụng còn hiển thị số điện thoại đường dây nóng báo dịch của Quảng Ninh (1800.9214) cũng như số gọi cứu thương toàn quốc (115) để người dân liên hệ khi cần hỗ trợ liên quan đến dịch Covid-19.
Các kênh trực tuyến cũng được Quảng Ninh khai thác triệt để trong dịch Covid-19
Ứng dụng “Smart Quảng Ninh” là một kênh kết nối trực tuyến giữa chính quyền với người dân mang xu thế của thời đại điện thoại thông minh và Quảng Ninh đã sớm khai thác kênh kết nối hiệu quả này trong mùa dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng có thể trở thành hình mẫu cho các tỉnh thành trong khai thác môi trường trực tuyến nói chung. Theo Cổng thông tin điện tử của tỉnh, từ ngày 18/2 đến ngày 21/2, Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Ninh đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức ghi hình các video bài giảng ở các cấp và các môn học, với thời lượng 30 phút/video.
Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Ninh đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức ghi hình các video bài giảng ở các cấp và các môn học, với thời lượng 30 phút/video.
Tham gia giảng dạy là các giáo viên có kinh nghiệm ở các trường học trên địa bàn tỉnh. Những video bài giảng này sẽ giúp các em tự củng cố kiến thức tại nhà trong thời gian nghỉ học mùa dịch, đặc biệt là với những em học sinh cuối cấp.
Sau khi ghi hình, biên tập, các video hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh (quangninh.gov.vn), Báo Quảng Ninh điện tử (baoquangninh.com.vn) và trên các trang YouTube Quảng Ninh TV, Fanpage QMG - Tin Tức Quảng Ninh 24/7 của Trung tâm Truyền thông tỉnh và cả ứng dụng “Smart Quảng Ninh”.
Theo ghi nhận thì các trường cũng chủ động thêm trong khai thác kênh trực tuyến. Trường Tiểu học Vĩnh Khê (huyện Đông Triều) đã chủ động triển khai việc ứng dụng CNTT để ôn tập và giao bài tập về nhà cho các em học sinh qua mạng Internet với việc sử dụng phần mềm Zoom để thiết lập phòng học trực tuyến…
Giáo viên của trường cũng livestream trên nhóm chat Zalo, hay dùng bảng tương tác online trên padlet.com và dùng Google Drive để giao bài tập cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ học. Mỗi giáo viên chủ nhiệm tạo phòng học trực tuyến để trao đổi và hướng dẫn ôn tập cho học sinh, giao bài tập và nhận xét đánh giá học sinh thông qua phần tương tác giữa cô và trò nhà trường.
Trong khi đó, để đối phó trực tiếp với dịch bệnh, toàn tỉnh thành lập 16 đội đáp ứng nhanh với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng; tổ chức tập huấn trực tuyến công tác điều trị bệnh nhân mắc nCoV cho 31 đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện và một số trạm y tế xã theo kịch bản của Bộ Y tế.
Không chỉ vậy, được biết theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký từ ngày 1/2, thành phố Móng Cái đã lắp đặt hệ thống camera trực tiếp truyền hình ảnh 24/24h mọi hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đến văn phòng làm việc của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Thùy Chi