Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo
Tỉnh Bạc Liêu cần khoảng 450.000 tỷ đồng cho phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030 nhằm đẩy mạnh các dự án năng lượng, phát triển các khu đô thị động lực, cơ sở hạ tầng giao thông…
Cánh đồng điện gió là nơi phát triển năng lượng tái tạo và du lịch nổi tiếng của Bạc Liêu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 968/QĐ-TTg (ngày 12/9/2024) ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch 968).
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày (08/12/2023) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh).
Đẩy mạnh liên kết vùng
Theo Kế hoạch 968, cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch. Cụ thể, đến năm 2025: rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu theo quy định của pháp luật, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Bạc Liêu cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng, hoàn thiện thể chế của vùng, xác định những chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng, phát triển ngành gắn với cơ chế phù hợp…
Đặc biệt, Đề án xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước; Đề án xây dựng thành phố Bạc Liêu và các vùng lân cận được công nhận khu du lịch quốc gia…
Ưu tiên các dự án có sức lan toả lớn
Kế hoạch 968 cũng nêu rõ ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế, khu đô thị động lực (hành lang kinh tế ven biển từ Long An - Kiên Giang; đường cao tốc, đường ven biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu).
Phát triển hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng thương mại và dịch vụ, y tế, giáo dục…
Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Năng lượng tái tạo, năng lượng mới, chế biến nông, thủy sản; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng thông tin và truyền thông đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; các vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản…
Một số dự án ngoài ngân sách nhà nước: khu đô thị mới phía Nam đường Nguyễn Thị Minh Khai, quy mô 400 ha; khu văn hóa – thể thao – giáo dục và đô thị sinh thái phía Tây Nam TP. Bạc Liêu; khu du lịch sinh thái hỗn hợp phường Nhà Mát và xã Hiệp Thành; khu đô thị mới 250 ha tại phường Nhà Mát và phường 5, TP. Bạc Liêu; khu đô thị mới Phước Long; khu đô thị mới phía Đông đường Vành đai trong; Dự án khu dân cư hòa Bình 1; nhà ở cho người thu nhập thấp…
Các dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước về linh vực điện năng: nhà máy điện gió Hòa Bình 3, 4, 6, 8; nhà máy điện gió Hòa Bình 2-1…
Các dự án vốn ngân sách nhà nước và vốn khác: dự án Khu du lịch sinh thái Vườn chim Bạc Liêu; dự án đầu tư điểm du lịch, dịch vụ Tắc Sậy; dự án khu du lịch sinh thái di tích khảo cổ quốc gia đặc biệt Tháp Vĩnh Hưng…
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, trong giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Bạc Liêu dự kiến huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 400.000 – 450.000 tỷ đồng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GRDP là 11,5% bình quân hằng năm. Trong đó, nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 180.000 – 190.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 220.000 – 260.000 tỷ đồng.
Về hình thức đầu tư, tỉnh khuyến khích hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận các hành lang kinh tế để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh…
Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công thương, tỉnh Bạc Liêu hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng điện phát điện lên lưới với hơn 01 tỷ kWh (tính từ đầu tháng 02/2020). Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai 08 dự án điện gió gần 500 mW, sử dụng nguồn lực tại chỗ, đóng điện đúng tiến độ, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ như điện gió Bạc Liêu, Hòa Bình 1, Đông Hải 1, Đông Hải 2, LNG Bạc Liêu… |