Ra mắt nền tảng thông tin dùng chung cho chuyển đổi năng lượng tại Đông Nam Á
SIPET được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại và thúc đẩy sự hợp tác trong ngành năng lượng, hỗ trợ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng tại ĐNÁ.
Nhằm điều phối thông tin, cung cấp kiến thức mới, tạo tương tác cho các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng trong khu vực Đông Nam Á, chương trình Năng lượng sạch, Giá phải chăng và An toàn cho Đông Nam Á (CASE) đã ra mắt nền tảng thông tin dùng chung có tên gọi SIPET.
Theo đánh giá của chuyên gia, nhu cầu năng lượng dự kiến sẽ tăng lên đến 80% vào năm 2050. Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là các quốc gia chiếm gần 3/4 tổng sản lượng điện ở Đông Nam Á. Vì vậy, khả năng đáp ứng các mục tiêu phát triển của khu vực phụ thuộc rất lớn vào sự lựa chọn nguồn năng lượng trong hiện tại và tương lai của các quốc gia. Tuy nhiên, trong khảo sát những thách thức phổ biến của các bên liên quan trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á đã chỉ ra các yếu tố rào cản như: thiếu hệ thống tổ chức; thiếu những nền tảng để chia sẻ thông tin và kiến thức kịp thời; dành quá nhiều thời gian cho các buổi gặp mặt hợp tác và trùng lặp công việc vì các bên liên quan không nắm bắt được công việc của bên đối tác.
Do đó, nền tảng SIPET được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại và thúc đẩy sự hợp tác trong ngành năng lượng của khu vực, hỗ trợ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng tại các quốc gia Đông Nam Á. SIPET sẽ giải quyết những thách thức này thông qua bốn tính năng chính, bằng cách cung cấp các thông tin về tập hợp tài nguyên về ngành năng lượng, cơ sở dữ liệu dự án và công cụ lập bản đồ, trung tâm chia sẻ kiến thức và diễn đàn cộng đồng dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Nền tảng SIPET sẽ tiếp tục được cập nhật các tính năng mới để trở thành công cụ hữu hiệu cung cấp thông tin
Ông Simon Rolland, Giám đốc Dự án Năng lượng của tổ chức hợp tác quốc tế Đức - GIZ nhận xét, SIPET là một nền tảng tập hợp đầy đủ các thông tin và nghiên cứu có sẵn tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận dựa trên những kết quả và kinh nghiệm được đúc kết, giúp các chuyên gia hiểu thêm về các dữ liệu và xu hướng chính, tạo nên những ảnh hưởng tích cực lên sự hợp tác và chia sẻ tri thức giữa các bên liên quan.
Thông qua SIPET, các chuyên gia mong muốn có thể tạo điều kiện cho ngành điện hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên những kết quả và kinh nghiệm đã được chứng minh, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ chiến lược phát triển năng lượng của khu vực và hướng tới những hành động chung nhằm đảm bảo một tương lai có năng lượng sạch với mức giá phải chăng và an toàn cho các quốc gia Đông Nam Á.
Minh Thùy (T/h)