Ra mắt Thư viện điện tử Quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn
Được triển khai từ năm 2020-2024, dự án hướng tới mục tiêu giúp trẻ em tại các địa bàn ô nhiễm bom mìn/vật nổ có thể tự bảo vệ bản thân tránh khỏi tai nạn bom mìn/vật nổ.
Được thiết kế như một phòng trưng bày ảo, thư viện cho phép người dùng dễ dàng thao tác và khám phá các phòng chức năng - Ảnh: VGP/NN
Ngày 9/8, Thư viện điện tử Quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn chính thức được ra mắt.
Thư viện do Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) phối hợp với Tổ chức Catholic Relief Services (CRS) Việt Nam xây dựng, nhằm đóng góp cho công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ các cơ quan và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này phổ biến thông tin về phòng tránh các tai nạn liên quan, từ đó thúc đẩy các hành vi an toàn cho người dân, cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ.
Được thiết kế như một phòng trưng bày ảo
Với giao diện thân thiện với người dùng, đồ họa sinh động và nguồn tư liệu phong phú, Thư viện là một kho tàng tri thức trực tuyến với nhiều tài liệu đa dạng cung cấp những thông tin hữu ích về bom mìn, vật nổ.
Người xem có thể truy cập miễn phí vào thư viện thông qua trang web: https://thuviendientu.vnmac.go... hoặc qua mục Thư viện trên trang web chính thức của Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC): https://vnmac.gov.vn/.
Được thiết kế như một phòng trưng bày ảo, thư viện cho phép người dùng dễ dàng thao tác và khám phá các phòng chức năng như:
Phòng chiếu phim bao gồm phim tài liệu, tin tức, video hoạt hình về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ (GDPTTNBMVN).
Phòng trưng bày bom mìn với các thiết kế mô hình 3D và 2D, hình ảnh thật của gần 300 loại bom mìn, vật nổ tại khắp 63 tỉnh thành Việt Nam.
Phòng trưng bày tranh, ảnh về công tác khắc phục hậu quả bom mìn và các hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn.
Phòng trưng bày sách, tài liệu bao gồm các tài liệu hướng dẫn, báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật về Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ.
Danh mục các văn bản chỉ đạo, điều hành và hoạt động của Ban Chỉ Đạo 701 về Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.
Thư viện sẽ được VNMAC giới thiệu rộng rãi tới các cơ quan ban ngành liên quan, 63 tỉnh thành, các cơ quan báo chí và người dân, đặc biệt là cộng đồng ở các khu vực chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm bom mìn, vật nổ.
Thông qua việc nâng cao nhận thức và chủ động tìm hiểu về tác hại của bom mìn và vật nổ, người dân có thể tự bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh khỏi các tai nạn có thể xảy ra, góp phần hướng tới một Việt Nam không còn chịu ảnh hưởng bởi tai nạn bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.
Rà soát, dọn dẹp và xử lý bom mìn còn sót lại
“Thư viện điện tử quốc gia về giáo dục phòng tránh bom mìn vật nổ hứa hẹn sẽ tạo một bước tiến quan trọng trong công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn tại Việt Nam. Trong thời gian tới, VNMAC mong muốn kêu gọi sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức hoạt động về lĩnh vực phòng tránh tai nạn bom mìn trong việc bổ sung tư liệu cho Thư viện điện tử quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn”, ông Giang Công Báu, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam chia sẻ.
Hoạt động xây dựng thư viện trực tuyến quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ nằm trong khuôn khổ dự án “Hướng tới Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn bền vững cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở” do Tổ chức CRS hợp tác với Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) thực hiện thông qua sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Được triển khai từ năm 2020-2024, dự án hướng tới mục tiêu giúp trẻ em tại các địa bàn ô nhiễm bom mìn/vật nổ có thể tự bảo vệ bản thân tránh khỏi tai nạn bom mìn/vật nổ.
Được thành lập để giải quyết các vấn đề liên quan đến hậu quả của chiến tranh, Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom và chất độc hóa học sau chiến tranh tập trung vào việc rà soát, dọn dẹp và xử lý bom mìn còn sót lại, đồng thời thực hiện các chương trình phục hồi môi trường và hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng.
VNMAC hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các cơ quan chính phủ để tăng cường năng lực và hiệu quả trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học tồn dư sau chiến tranh, cũng như hỗ trợ nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học, cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục, và tái định cư.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền và giáo dục, VNMAC nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ bom mìn và chất độc hóa học, góp phần xây dựng một môi trường sống an toàn và lành mạnh, hướng tới một Việt Nam không còn bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.