Thư viện trường học tăng tốc số hóa

10:28, 16/07/2024

Nhiều trường học đã có giải pháp nhằm cải thiện không gian, số hóa trong quản lý và lan tỏa văn hóa đọc tới mọi người.

Học sinh thỏa sức sáng tạo với mô hình STEAM tại Thư viện Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, Long Biên (Hà Nội). Ảnh: TG

Đưa thư viện đến gần người đọc

Nằm ở ngoại thành Hà Nội, Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức) nhiều năm qua tập trung xây dựng thư viện đạt chuẩn với nhiều sáng tạo, đổi mới trong quản lý, vận hành. Thầy Hiệu trưởng Trần Đăng Lực cho biết, nhà trường đưa phần mềm thư viện vào sử dụng nhằm tạo thuận lợi trong việc quản lý. Đồng thời, độc giả có thể tiếp cận nguồn tài nguyên thông tin nhanh chóng ngay cả khi không đến thư viện, chỉ cần có điện thoại hoặc máy tính kết nối Internet.

“Chúng tôi đã huy động giáo viên hỗ trợ nhập liệu để quản lý tài liệu bằng phần mềm; tập hợp bài giảng của giáo viên để xây dựng kho tài liệu bài giảng điện tử trong thư viện số. Hồ sơ sổ sách của thư viện như sổ mượn - trả, sổ đăng ký, nhật ký thư viện đều được quản lý và kết nối thông qua phần mềm”, thầy Lực nhấn mạnh.

Ngoài ra, Trường THCS Đông La cũng liên kết với thư viện của một số trường trên cùng địa bàn như THCS Cát Quế B, THCS Đắc Sở, THCS Đức Thượng… để độc giả có thể truy cập liên thư viện. Nhờ đó, nguồn tài liệu số phục vụ bạn đọc thêm đa dạng và phong phú mà không mất phí.

Là đơn vị có chất lượng giáo dục cũng như hệ thống cơ sở vật chất thuộc tốp đầu Hà Nội, Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) chú trọng việc lan tỏa văn hóa đọc tới học sinh bằng nhiều giải pháp thiết thực.

Cô Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường chú trọng xây dựng không gian thư viện mở, thân thiện. Với tổng diện tích 220 m2, phòng thư viện được thiết kế thoáng đãng với hệ thống cửa kính nhằm tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; tông màu trắng kết hợp nền trần màu xanh bắt mắt, màu vàng tươi sáng tạo điểm nhấn và sự gần gũi với học sinh.

Bên cạnh đó, để thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động tại thư viện đồng thời đảm bảo không gian đọc sách riêng, phòng thư viện được kết cấu 3 phần: Đọc sách cá nhân, làm việc nhóm và không gian sinh hoạt chung. Vì vậy, học sinh không chỉ đến thư viện trường để đọc và tìm kiếm kiến thức mà hơn thế thư viện đã trở thành “thiên đường” với những trò chơi học tập, hoạt động trải nghiệm.

Cũng theo cô Hường, nhà trường tiếp tục đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành hoạt động thư viện. Năm học 2023 - 2024, phần mềm quản lý thư viện trực tuyến - Vlib được nhà trường đưa vào sử dụng. Công tác quản lý, hoạt động mượn - trả, tra cứu tài liệu được thực hiện qua phần mềm đã góp phần tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác phục vụ bạn đọc.

“Hoạt động trải nghiệm, sáng tạo và các sự kiện về sách tổ chức tại nhà trường đều được lưu trữ trên phần mềm thư viện. Điều này giúp bạn đọc có thêm hiểu biết về sự đa dạng trong các hoạt động thư viện tại Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, từ đó lan tỏa tình yêu với sách, văn hóa đọc của thầy, trò nhà trường tới cộng đồng”, cô Lê Thị Thu Hường nói.

so hoa thu vien truong hoc (2).jpg

Giao diện Hệ thống thư viện sách điện tử tại Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: TG

Cải thiện không gian

Sáng kiến cải tạo và biến hành lang thư viện trở thành “điểm dừng chân” của học sinh trong giờ nghỉ giải lao hay những khi đợi bố mẹ đến đón sau mỗi ngày học được Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng thực hiện từ năm học 2015 - 2016.

Hành lang thư viện với hàng ghế đọc sách, bóng cây xanh mát cùng những giỏ sách, truyện thiếu nhi đa dạng đã thu hút biết bao học sinh tìm đến. Thư viện không còn bao bọc trong 4 bức tường mà được gia tăng về diện tích, mở rộng không gian tiếp cận sách để học sinh chủ động hơn trong việc tìm sách đọc.

Còn tại Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức), phòng đọc học sinh được lắp đặt các giá sách chạy quanh tường với mô hình kho mở. Các em có thể thoải mái lựa chọn tài liệu theo nhu cầu một cách thuận lợi. Sàn luôn được lau dọn sạch sẽ, phòng đọc có điều hòa nhiệt độ để sử dụng vào những ngày hè oi bức cũng là cách để thu hút học sinh đến thư viện.

“Thư viện có tivi để phục vụ các tiết đọc theo chủ đề. Đàn piano được trang bị để học sinh có năng khiếu đánh tặng các bạn cùng nghe. Chúng tôi cũng xây dựng thư viện góc lớp để mở rộng không gian đọc đến từng lớp. Nhờ đó, các em không cần lên thư viện vẫn có thể tiếp cận cũng như đọc được nhiều sách”, thầy Trần Đăng Lực thông tin thêm.

Là trường có học sinh đoạt giải Nhất toàn quốc cấp tiểu học cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2022, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông - TP Nam Định (Nam Định) luôn có sáng kiến hay để xây dựng không gian thư viện thân thiện, lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường.

Cô Hiệu trưởng Hoàng Thanh Bình cho hay, thư viện trường có góc riêng để học sinh sáng tạo mỹ thuật như vẽ tranh minh họa theo nội dung truyện, thể hiện sản phẩm theo Sơ đồ tư duy hoặc lắp ráp mô hình STEAM Robotic, chơi cờ vua. Và đặc biệt, thư viện có sân khấu để trò có thể tự tin thuyết trình, chia sẻ những cuốn sách đã đọc.

“Để việc đọc sách thực sự trở thành thói quen tốt, giúp trẻ tránh xa sự cám dỗ của các trò chơi vô bổ trên mạng, cha mẹ, thầy cô phải thực sự trở thành tấm gương, là người bạn đồng hành cùng con trong đọc và chơi với sách. Phụ huynh cũng được khuyến khích đọc sách cùng trẻ hoặc đọc sách trong khi chờ trẻ ở hàng ghế công viên của trường thay cho sử dụng điện thoại”, cô Bình trao đổi.

Sân chơi để xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông là cuộc thi “Mở sách - Mở thế giới” được tổ chức thường niên. Điểm nổi bật ở đây là có sự đồng hành của cha mẹ đến đọc sách, tương tác với trẻ trong các sản phẩm dự thi. Đích đến không chỉ nằm ở kết quả cuộc thi mà suốt hành trình “Mở sách - Mở thế giới” để chinh phục nguồn tri thức vô tận của nhân loại.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

(https://giaoducthoidai.vn/thu-vien-truong-hoc-tang-toc-so-hoa-post691380.html)