Sắc màu 20 năm phát triển dịch vụ VT-CNTT ở Tp.HCM

00:10, 26/12/2012

VNPT Tp.HCM vừa tổ chức kỷ niệm chặng đường 20 năm cao điểm phát triển mạnh mẽ các dịch vụ của đơn vị trên địa bàn. Những con người của giai đoạn đi tắt đón đầu, đi thẳng vào công nghệ hiện đại một thời với trái tim và khối óc nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm... đã làm nên những câu chuyện thần kỳ.


Từ điện thoại di động và hệ thống nhắn tin đầu tiên

Call-link là hệ thống điện thoại di động đầu tiên tại Việt Nam, được (khi đó là) Bưu đin Tp.HCM đưa vào khai thác từ năm 1992 thông qua hợp tác với Công ty Viễn thông Singtel (Singapore), sử dụng công nghệ APMS. Từ 1992-1996, tốc độ phát triển bình quân 20%/năm, số thuê bao di động đã lên đến 20.000 trên toàn thành phố. Và sau 8 năm hoạt động, mạng điện thoại di động đầu tiên này đã hoàn thành sứ mệnh.

Song song đó, Bưu điện Tp.HCM đã lượt triển khai 5 hệ thống nhắn tin gồm: MCC, Phonelink, Saigon Epro, Saigon ABC và Nhắn tin Việt Nam. Hồi đó khi mà điện thoại cố định là phương tiện thông tin chủ yếu, thì đây này là phương tiện rất hữu hiệu để giữ liên lạc với mọi người trong khi di chuyển. Với 5 hệ thống nhắn tin phủ sóng rộng khắp Tp.HCM, các tỉnh phía Nam và ra cả Đà Nẵng, đã phục vụ 120.000 thuê bao vào thời điểm năm 1999. Sau 10 năm hoạt động, dịch vụ đã dừng vào năm 2004.

Dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại cố định

Đó là dịch vụ 108, được khai sinh đầu tiên tại Tp.HCM năm 1993. Sau đó đã lan tỏa đến tất cả các Bưu điện tỉnh thành trong cả nước tới tận bây giờ, và các hệ thống trả lời / chăm sóc khách hàng mà ta hay gọi là Contact Center cũng từ đó mà ra. Lúc bấy giờ, 108 của Bưu điện Tp.HCM chỉ có 12 chị em điện thoại viên, hiện dịch vụ đã phát triển đến 150 bàn khai thác với thiết bị công nghệ hiện, giải đáp tư vấn trên 200 lĩnh vực với hơn 300 điện thoại viên. Nội dung cung cấp cho khách hàng ngày càng đa dạng và phong phú, 108 đã phát triển thêm các đầu số chuyên như: Giải đáp thông tin 1080 ; Tư vấn 1088; Gọi Taxi 1089; Tra cứu Trang Vàng - Yellow Pages 1081.


Tiếp đó, Bưu điện Tp.HCM đã cho ra đời dịch vụ Fax công cộng - BureauFax, đã rút ngắn thời gian kết nối thông tin giữa các nước trên thế giới từ trên 10 ngày xuống còn 2 ngày. Thời gian cao điểm, dịch vụ này đã đạt tới sản lượng 5.000 bức fax mỗi ngày, trong đó 80% là giao lưu tình cảm thân nhân. Đến năm 2006 BureauFax đã chấm dứt hoạt động.

Internet và nhiều dịch vụ mới cho tới nay

Cùng triển khai dịch vụ Internet trên cả nước từ năm 1997, Bưu điện Tp.HCM cũng đã cung cấp đáp ứng được các yêu cầu của người dùng trên địa bàn thành phố, với các dịch vụ kết nối dial-up Internet gián tiếp (VNN126x) như VNN1260, 1268, 1269.

Để rồi sau đó, VNPT Tp.HCM đã không ngừng phát triển và cung cấp nhiều dịch vụ viễn thông - CNTT trên nền công nghệ hiện đại phục vụ khách hàng, trong đó Internet cáp quang FiberVNN là dịch vụ luôn được các doanh nghiệp lựa chọn tin dùng như là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của mình.


Cùng đó, VNPT Tp.HCM cũng đã liên tục phát triển các dịch vụ mới như: Giám sát từ xa MegaEyes, Hội nghị truyền hình MegaConference, Chống tấn công từ chối dịch vụ AntiDDoS; Hệ thống quản lý trên công nghệ điện toán đám mây Mega ERP; Dịch vụ truyền hình theo yêu cầu IPTV...  Các dịch này đã đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp trên thị trường.

Việc chú trọng nâng cao chất lượng trong từng dịch vụ cung cấp phục vụ khách hàng luôn được VNPT Tp.HCM xem là yếu tố quyết định trong hoạt động SXKD, tạo nên sự khác biệt cho đơn vị so với các DN viễn thông khác trên thị trường. Đơn vị này đang có kế hoạch sẽ đưa vào ứng dụng nhiều dịch vụ giá trị gia tăng mới như MegaConference Edu và Green Online trong thời gian tới.

Lê Nguyễn