Sách Trắng về CNTT và Truyền thông Việt Nam 2013
07:30, 20/10/2013
Ngành CNTT và TT tiếp tục trở thành điểm sáng của nền kinh tế năm 2012, góp phần quan trọng trong tiến trình đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.
Trong năm 2012, ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) tiếp tục tăng trưởng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang còn gặp nhiều khó khăn.
Qua Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam 2013, có thể tóm tắt một số thành tựu nổi bật của ngành trong giai đoạn 2012-2013 như sau
Thứ hạng ngành CNTT-TT Việt Nam có nhiều cải thiện theo đánh giá của quốc tế
Trong xếp hạng chung về CNTT-TT, Chỉ số phát triển CNTT-T (IDI) của Việt Nam xếp 81/161 quốc gia, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á (2012) và Chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI): của Việt Nam xếp 84/14 quốc gia, đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á (2012). Trong khi đó, về công nghiệp CNTT, Việt Nam xếp thứ 8 thế giới về gia công phần mềm theo báo cáo của Tập đoàn Tholons (2011) và Top 10 nước châu Á - Thái Bình Dương và top 30 thế giới về gia công phần mềm theo báo cáo của Tập đoàn Gartner (2012). Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nằm trong top 100 thành phố hẫn dẫn về gia công phần mềm, trong đó TP.HCM xếp thứ 16 và Hà Nội xếp thứ 23 (2013).
Về Chính phủ điện tử, Việt Nam xếp thứ 4 khu vực Đông Nam Á và 81/190 quốc gia (2012) và được đánh giá cao về dịch vụ công và ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Trong khi đó, nguồn nhân lực Việt Nam xếp thứ 101/161 quốc gia (2012), điển hình là chất lượng đào tạo các môn Toán và các môn khoa học được đánh giá cao. Về phát triển Internet, Việt Nam nằm trong top 10 nước Châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất và xếp thứ 3 Đông Nam Á, thứ 8 châu Á và 18 thế giới về số người dùng Internet.

Hạ tầng CNTT-TT tiếp tục được đầu tư, nâng cấp đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thuê bao viễn thông và Internet
Năm 2012, số thuê bao di động vẫn tiếp tục tăng trưởng tuy có chững lại với trên 131 triệu thuê bao tăng 3,2% nâng số thuê bao di động/100 dân đạt 148,33. Đáng chú ý, năm 2012, số thuê bao 3G bị giảm nhẹ do nhà mạng đã tăng cường cắt giảm các thuê bao ảo và số thuê bao 3G trên thực tế vẫn tăng. Trong khi số thuê bao cố định vẫn tiếp tục giảm do yếu tố công nghệ chỉ còn gần 10 triệu thuê bao giảm 6% với số thuê bao cố định/100 dân chỉ đạt 10,76. Số thuê bao Internet băng rộng cố định tăng nhanh đạt 4,78 triệu thuê bao tăng 24,7%. Mật độ người sử dụng Internet đạt 35.3% (với 31,3 triệu người). Tỷ lệ số hộ gia đình có máy tính đạt khoảng 18,8% và gần 21,3 triệu hộ sử dụng máy thu hình (đạt 91,7%). Mạng lưới bưu chính công cộng với số lượng điểm phục vụ bưu chính đạt 13.612 điểm. Số dân phục vụ bình quân trên 01 điểm phục vụ bưu chính đạt 6.486 người.
Công nghiệp CNTT tiếp tục đà tăng trưởng ngoạn mục với vai trò chủ lực của các doanh nghiệp FDI
Tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2012 đạt 25,5 tỷ USD, tăng ngoạn mục 86,3% so với năm 2011. Sự tăng trưởng cao này tiếp tục do sự duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử với trên 23 tỷ USD doanh thu tăng trưởng 103,2% và chiếm tới 90,4 % tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT.
Công nghiệp phần mềm và nội dung số cũng tăng trưởng nhưng tốc độ khiêm tốn tương ứng là 3,1% và 6,0%, trong đó sự tăng trưởng lĩnh vực phần mềm là thấp nhất trong cả 3 lĩnh vực. Xuất khẩu sản phẩm CNTT-TT đạt 22,92 tỷ USD tăng trên 110,4% so với năm 2011, và đặc biệt tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn nhập khẩu gần 3,5 triệu USD. Năm 2012, tổng số lao động trong lĩnh vực đạt trên 350.000 lao động, tăng trưởng hơn 50.000 lao động so với năm 2011, chủ yếu đến từ lĩnh vực phần cứng.
Lĩnh vực viễn thông phục hồi đà tăng trưởng với sự thống lĩnh thị trường cố định của VNPT và sự vượt trội của Viettel về dịch vụ điện thoại di động
Nhìn chung năm 2012, dù suy giảm kinh tế nhưng tổng doanh thu viễn thông vẫn đạt gần 8,5 tỷ USD, tăng trên 21% so với năm 2011. Trong đó, doanh thu dịch vụ di động tăng hơn 1 tỷ USD từ 5,4 tỷ lên 6,5 tỷ USD và vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu (chiếm 76,43% tổng doanh thu). Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu giúp thị trường viễn thông tăng trưởng. Doanh thu dịch vụ cố định và Internet cũng đều tăng song mức tăng khiêm tốn lần lượt là 394,2 triệu USD (tăng 8,9%) và 474,8 triệu USD (tăng 1,42%).
Lĩnh vực viễn thông và Internet đang chứng kiến sự thống lĩnh thị trường cố định của VNPT và sự vượt trội của Viettel về dịch vụ điện thoại di động. Về dịch vụ điện thoại cố định,VNPT vẫn chiếm thị phần cao nhất (75,4%) tăng thị phần so với năm 2011 (68,8%) sau đó đến Viettel (22,96%) tăng so với năm 2011 (22,3%) còn lại là các nhà cung cấp khác.
Trong khi đó, đối với dịch vụ điện thoại di động, Viettel vẫn chiếm thị phần cao nhất (40,05%), MobiFone lấy lại vị trí số 2 với 21,4% ( năm 2011 xếp thứ 3 với 17,9%) và theo sát là VinaPhone với 19,88% (năm 2011 xếp thức 2 với 30,1%) và mỗi nhà cung cấp dịch vụ này chỉ chiếm ½ số thuê bao của Viettel. Vietnamobile vẫn chiếm thị phần cao trong các hãng còn lại với 10,74%. Trong khi đó, xét về thị trường thuê bao 3G thì 3 nhà cung cấp dịch vụ Viettel, MobiFone và VinaPhone vẫn áp đảo với số thị phần gần tương đương trong đó Viettel chiếm 34,73% , theo sát là MobiFone với 33,19% và VinaPhone 29,71% còn lại 2,36% là Vietnamobile. Trong khi đó, xét về thị phần thuê bao dịch vụ Internet trong thị trường cả truy nhập cố định và di động, hai nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet chủ đạo là VNPT (62,82%) và Viettel (29,45%), theo sau là FPT (5,73%) và các nhà cung cấp đều tăng thị phần so với năm 2011.

Về truy nhập Internet cố định, VNPT chiếm thị phần thuê bao cao nhất với 57,68% (bị giảm so với 2011 là 63,21%) trong khi thị phần truy nhập Internet bằng mạng 3G, VNPT cũng áp đảo với 64,62 % (khi tính gộp cả MobiFone và VinaPhone).
Phát thanh truyền hình Việt Nam doanh thu ổn định với số thuê bao tăng ấn tượng
Hệ thống phát thanh truyền hình đã phát triển mạnh với 67 đài phát thanh – truyền hình và liên tục được nâng cấp, cập nhật các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Dịch vụ truyền hình trả tiền cũng đang phát triển khá nhanh. Tổng doanh thu truyền hình trả tiền đạt hơn 200 triệu USD trong đó truyền hình cáp chiếm 97% doanh thu.

Thuê bao truyền hình trả tiền cũng tăng trưởng ấn tượng, truyền hình cáp và truyền hình số mặt đất vẫn là dịch vụ có số thuê bao nhiều nhất đạt lần lượt 4,4 triệu và 3,6 triệu thuê bao. Xét về thị phần dịch vụ truyền hình trả tiền, về truyền hình cáp, SCTV chiếm thị phần thuê bao chủ đạo với 36,26% theo sau là VTVCab với 22,67%. Trong khi đó, lĩnh vực truyền hình số vệ tinh VSTV và VTC là hai nhà cung cấp chủ đạo với thị phần khá sát nhau trên 43%, AVG là doanh nghiệp mới gia nhập thị trường song cũng chiếm 13,36% thị phần.
Thị trường Bưu chính tăng nhẹ với thị phần chủ yếu thuộc về VNPost
Năm 2012, doanh thu dịch vụ bưu chính đạt trên 273,7 triệu USD tăng 11% so với năm 2011. Trong đó, xét về thị phần cung cấp dịch vụ bưu chính, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là nhà cung cấp chiếm thị phần lớn nhất với 37% tiếp theo là liên doanh DHL-VNPT với 15,28%. Hai doanh nghiệp đóng vai trò là các nhà cung cấp dịch vụ chủ đạo lĩnh vực bưu chính.
Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT tiếp tục được duy trì ổn định về quy mô và hình thức đào tạo.
Cả nước có 290 trường đại học, cao đẳng có đào tạo về CNTT và viễn thông , tỷ lệ tuyển sinh ngành này là 10,83% trên tổng số chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012. Trong năm 2012, số sinh viên ngành CNTT, viễn thông trình độ đại học, cao đẳng tốt nghiệp là trên 40 nghìn, nhập học là 58 nghìn và đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng là gần 170 nghìn. Bên cạnh đó, số lượng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề có đào tạo về CNTT-TT tăng thêm 30 đơn vị so với năm 2011, nâng tổng số các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề lên 143 đơn vị.
Môi trường pháp lý về CNTT-TT ngày một được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước.
Năm 2012, các chính sách được xây dựng, ban hành chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường điện tử và đảm bảo an ninh quốc gia như dự thảo Luật An toàn thông tin, Nghị định sửa đổi về chống thư rác, Quyết định về tiêu chí xác định công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Thông tư quy định danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu. Trong khi đó, nhiều chủ trương, chương trình, dự án lớn tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh triển khai hiệu quả như: Nghị quyết Trung ương IV về phát triển hạ tầng thông tin, Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020, Chương trình triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015, Chương trình đưa thông tin về cơ sở.
Với những kết quả, thành tựu đáng ghi nhận, ngành CNTT-TT tiếp tục củng cố vị thế và đà tăng trưởng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn đến năm 2015, đồng thời, dần xứng đáng với vai trò là một trong 10 hạ tầng chủ lực của hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Các số liệu chi tiết về "Sách trắng về CNTT & TT Việt Nam 2013" bạn có thể xem trên Tạp chí Xã hội Thông tin phát hành ngày 1/11/2013.
Hoá An