Samsung đưa một phần nhà máy TV từ Trung Quốc sang Việt Nam

10:29, 10/09/2020

Hãng điện tử Samsung (Hàn Quốc) sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất TV duy nhất của họ tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) để chuyển sang Việt Nam, Mexico và một số nước khác.

Theo báo Nikkei Asian Review, ngày 8-9 Samsung thông báo sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất TV của hãng này tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) vào cuối tháng 11 năm nay.

Bài báo này dẫn thông tin rằng hoạt động sản xuất từ nhà máy này sẽ chuyển sang Việt Nam, Mexico, Hungary, Ai Cập và một số nơi khác. Tập đoàn này cho biết, động thái này giúp hoạt động sản xuất toàn cầu của Samsung hiệu quả hơn.

Động thái của Samsung là một phần trong xu thế lớn hơn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang trong lộ trình di dời chuỗi cung cấp của họ ra khỏi "công xưởng của thế giới" Trung Quốc.

Thời gian qua Samsung, nhà cung cấp TV màn hình phẳng hàng đầu thế giới, đã mất thị phần đáng kể tại Trung Quốc vào tay các đối thủ nội địa mà nguyên nhân sâu xa là từ phong trào tẩy chay hàng Hàn Quốc sau khi Seoul cho phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Bên cạnh đó chi phí nhân công tại Trung Quốc cũng đã tăng lên.

Nhà máy TV ở Thiên Tân của Samsung bắt đầu hoạt động năm 1993 hiện còn khoảng 300 lao động sau nhiều đợt giảm nhân sự và là cơ sở sản xuất TV ở nước ngoài quan trọng nhất của Samsung. Nơi đây chủ yếu sản xuất TV LCD, mô-đun LCD và các sản phẩm khác để phục vụ nhu cầu của thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Tuy nhiên đến năm 2013, các thương hiệu TV Trung Quốc tăng nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng khiến thị phần của Samsung bị giảm mạnh. Đến năm 2019, sản lượng TV của Samsung tại Trung Quốc chỉ còn hơn một triệu chiếc, chiếm khoảng 2% thị phần.

Trước đó vào cuối năm 2019, Samsung đã đóng cửa các nhà máy sản xuất smartphone ở hai thành phố Thiên Tân và Huệ Châu. Tháng 6 năm nay, Samsung cho biết sẽ dừng hoạt động một nhà máy sản xuất máy tính ở Tô Châu.

Hiện tại Samsung vẫn đang duy trì một nhà máy sản xuất đồ điện gia dụng tại Tô Châu và hai nhà máy sản xuất chip tại Tây An.

Thanh Tùng (T/h)