Sẵn sàng thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến

17:43, 08/08/2023

Các trường cần xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra phục vụ cho đánh giá định kì các môn học bằng nhận xét kết hợp bằng điểm số.

Các trường cần chuẩn bị tốt điều kiện để sẵn sàng thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến

Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục THCS và THPT chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến; có quy định và hướng dẫn sử dụng việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến khi áp dụng cho các môn học và hoạt động giáo dục, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Bên cạnh đó, các trường thực hiện việc đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt, hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá áp dụng cho đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Các nhà trường cần xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra phục vụ cho đánh giá định kì các môn học bằng nhận xét kết hợp bằng điểm số.

Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục.

Bảo đảm yêu cầu trung thực, khách quan, công bằng

Việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá các môn học phải bảo đảm yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Đối với môn Ngữ văn, tiếp tục thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ GD&ĐT đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10 và lớp 11; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo công văn này đối với khối lớp 9, lớp 12.

Đối với môn Lịch sử, tăng cường các câu hỏi nhằm khai khai thác, sử dụng các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ; câu hỏi mở tạo điều kiện cho học sinh tự biểu đạt chính kiến của mình về các vấn đề lịch sử, hướng tới đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục tình trạng ghi nhớ sự kiện, ngày tháng, địa điểm, số liệu... một cách máy móc.

Việc kiểm tra, đánh giá cụm chuyên đề học tập lựa chọn của cấp THPT được thực hiện theo khoản 3, Điều 6 tại Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Kết quả kiểm tra, đánh giá được ghi nhận vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh thuộc học kì khi kết thúc dạy học cụm chuyên đề học tập.

Về việc kiểm tra, đánh giá lại theo quy định Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT, học sinh chưa đủ điều kiện lên lớp có quyền được đánh giá lại đối với các môn học chưa đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 14.

Trường hợp học sinh không có nguyện vọng được đánh giá lại tất cả các môn học chưa đạt yêu cầu thì nhà trường có thể cho học sinh được lựa chọn số môn học để được đánh giá lại và sử dụng kết quả đánh giá lại để xét lên lớp.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://baochinhphu.vn/san-sang-thuc-hien-kiem-tra-danh-gia-theo-hinh-thuc-truc-tuyen-102230808151759254.htm)