Sau soát xét, tài sản của Vietjet tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với BCTC tự lập
Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 của Vietjet cho thấy lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng 148% so với báo cáo tự lập. Tổng tài sản của Vietjet tăng lên là nhờ các khoản mục tài sản dài hạn được điều chỉnh cao hơn trước.
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 đã soát xét cho thấy tổng tài sản tại ngày 30/6 năm nay đạt 49.856 tỷ đồng, tăng gần 4.700 tỷ so với ngày đầu năm và cao hơn 1.236 tỷ so với báo cáo tự lập.
Theo đó, doanh thu vận tải hàng không Công ty mẹ đạt 5.022 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 34,2 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào lợi nhuận từ đầu tư tài chính bù đắp hàng không. So với báo cáo tự lập, doanh thu vận tải hàng không giảm 14% và lợi nhuận sau thuế tăng 148%.
Doanh thu hợp nhất đạt đạt 7.556 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 121.8 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào lợi nhuận từ đầu tư tài chính bù đắp hàng không.
So với báo cáo tự lập, doanh thu vận tải hàng không giảm 10% và lợi nhuận sau thuế giảm 5%. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2021, Vietjet đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu quỹ đang sở hữu nhằm tăng cường nguồn lực và tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.
Theo giải trình từ Vietjet, nguyên nhân cho sự biến động này là do Vietjet đánh giá lại một số chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi nhận giảm trích trước chi phí, giảm chi phí phân bổ và nhờ đánh giá lại các khoản thu nhập tài chính.
Vietjet tiếp tục quản lý tốt chi phí của mình thông qua các chương trình cải tiến, đổi mới, sáng tạo, các giải pháp tiết giảm chi phí, tối ưu hóa chi phí khai thác theo giờ bay giảm bình quân chi phí hoạt động 71%, giảm chi phí bán hàng và hành chính 30% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của Vietjet, Việt Nam đang có nhiều tín hiệu lạc quan từ chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc lớn nhất lịch sử với mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho 70% dân số. Do đó, dự kiến các đường bay nội địa và quốc tế sẽ dần hoạt trở lại vào Q4/2021 và Q1/2022.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang xem xét các chính sách miễn, giảm một số phí, giãn nộp thuế và đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ nguồn vay thanh khoản để các hãng hàng không vượt qua đại dịch.
Vietjet sẽ tiếp tục tập trung thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu 4.0, nghiên cứu phát triển hệ thống gia tăng tiện lợi cho hành khách, khai thác hàng hóa và tối ưu hóa khai thác. Vietjet cũng tập trung triển khai các giải pháp để gia tăng các nguồn thu khác như vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí, mở rộng các dịch vụ hàng không và đầu tư tài chính.
Tháng 8 vừa qua, do các quy định về giãn cách xã hội trong nước, số chuyến bay của Vietjet giảm gần 60% so với tháng 7 và sụt 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Vietnam Airlines và Bamboo Airways cũng ghi nhận số chuyến giảm lần lượt 76% và 91% so với tháng 8/2020.
Khôi Nguyên (T/h)