Sẽ có cơ chế đặc thù 'đủ mạnh' để Hà Nội bứt phá về khoa học công nghệ

10:01, 29/12/2023

Hà Nội sẽ có những cơ chế, chính sách đặc thù "đủ mạnh", vượt trội, mang tính đột phá để Thành phố có thể huy động hết được tiềm năng, thế mạnh là trung tâm hội tụ của các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết như trên tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) ngày 28/12.

Tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô chưa được khai thác triệt để

Tại Hội nghị, ông Lê Hồng Sơn đã nhấn mạnh quyết tâm của TP. Hà Nội để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KHCN và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Với tiềm năng, lợi thế của mình, Hà Nội đã xác định mục tiêu phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Lê Hồng Sơn, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện các nghị quyết của Đảng, các hoạt động nghiên cứu KHCN của TP.Hà Nội ngày càng bám sát vào thực tiễn và nhu cầu của các ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Các sở, ngành, quận, huyện của Thành phố đã quan tâm chỉ đạo công tác ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong các lĩnh vực và địa bàn quản lý. Hoạt động phát triển thị trường KHCN, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức. Hoạt động ứng dụng tiến bộ KHCN, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước, công tác sáng kiến, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực, công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, an toàn bức xạ và hạt nhân đã được quan tâm, đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Tuy nhiên, công tác phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của Hà Nội vẫn còn tồn tại những khó khăn, rào cản chưa được tháo gỡ như vấn đề xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước; hoạt động của quỹ phát triển KHCN; chính sách về đổi mới sáng tạo; việc khai thác được tiềm năng, nguồn lực chất xám của đội ngũ trí thức trên địa bàn Thủ đô…

Các cơ chế, chính sách cho hoạt động KHCN của TP.Hà Nội tuy đã được cải thiện nhưng ở một số lĩnh vực vẫn còn bộc lộ hạn chế, khó khăn dẫn đến tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực của Thủ đô chưa được khai thác triệt để.

"Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại đó, đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia và khu vực rất cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, mang tính đột phá để Hà Nội có thể huy động hết được tiềm năng, thế mạnh là trung tâm hội tụ của các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu", ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, mang tính đột phá

Thời gian qua, TP. Hà Nội đã cùng với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 với những nội dung đề cập đến những chính sách đặc thù trong phát triển các lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong đó có KHCN, đổi mới sáng tạo. Điển hình như: Dự thảo Luật Thủ đô có quy định về các lĩnh vực KHCN trọng điểm của Thủ đô; chế độ ưu đãi đối với một số hoạt động, đối tượng trong lĩnh vực KHCN trọng điểm.

TP. Hà Nội cũng đề xuất mở rộng đối tượng được áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và Công nghệ. Chính sách đãi ngộ, tiền lương, thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học từ việc chủ trì nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Thủ đô, vùng Thủ đô là thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Doanh nghiệp, tổ chức KHCN được hỗ trợ từ ngân sách của Thành phố để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Thủ đô (hiện nay chính sách này chưa được pháp luật hiện hành quy định).

Đồng thời bổ sung quy định chung về định hướng xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô; giao UBND TP. Hà Nội quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của khu công nghệ cao; đồng thời, dự thảo quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc về vị trí, chức năng và cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện đã được Bộ KHCN bàn giao cho UBND TP. Hà Nội quản lý.

"Các khu công nghệ cao rất cần có cơ chế đủ mạnh để hình thành, phát triển và phát huy hiệu quả trên thực tế", ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

TP. Hà Nội cũng đề xuất các mô hình thử nghiệm có kiểm soát nhằm tạo đột phá về cơ chế để Hà Nội có thể tổ chức thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực KHCN. Cơ chế thử nghiệm có những giới hạn nhất định về thời gian, không gian, phạm vi hoạt động, việc giám sát thực hiện.

Theo Báo cáo Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của StartupBlink 2023, Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc về thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thúc đẩy, ươm tạo doanh nghiệp trong một số lĩnh vực trọng điểm về KHCN của Hà Nội.

Đến nay, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp giữa năm 2024. Khi được ban hành, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, KHCN và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.

"Đây cũng sẽ là tiền đề, căn cứ quan trọng để xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) qua đó khai thông các điểm nghẽn, góp phần phát triển toàn diện KHCN, đưa KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá, động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội bày tỏ.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://thanglong.chinhphu.vn/se-co-co-che-dac-thu-du-manh-de-ha-noi-but-pha-ve-khoa-hoc-cong-nghe-103231228165742851.htm)