Sẽ siết chặt quản lý game online

17:59, 12/01/2015

Bộ Thông tin - Truyền thông vừa ban hành Thông tư 24 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng trò chơi điện tử trên mạng (game online). Đây là một trong những văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 72/2013/NĐ-CP (ngày 15-7-2014) của Chính phủ về về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12-2-2015.

Phân loại cụ thể các loại trò chơi.

Theo đó, dựa theo độ tuổi của người chơi, Thông tư 24 quy định phân loại game online thành 3 loại: game online dành cho người lớn, game online dành cho thiếu niên và game online dành cho mọi lứa tuổi. Cụ thể, game online dành cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên, ký hiệu là 18+) là game có hoạt động đối kháng có sử dụng vũ khí; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh khiêu dâm. Game online dành cho thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên, ký hiệu là 12+) là game có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí nhưng hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh, rõ ràng; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người. Còn game online dành cho mọi lứa tuổi (ký hiệu là 00+) là những game mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hình ảnh, hoạt động, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người. 

Sẽ quản lý chặt chẽ đối tượng chơi game. ( Ảnh: Internet)

Thông tư 24 quy định, bên cạnh việc tự phân loại game của đơn vị mình theo độ tuổi người chơi, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online có trách nhiệm thể hiện kết quả phân loại game theo độ tuổi người chơi ở vị trí phía trên, góc bên trái của khung quảng cáo và màn hình thiết bị trong khi người chơi sử dụng dịch vụ. Kết quả phân loại game online theo độ tuổi người chơi còn phải được thể hiện trong hồ sơ đề nghị phê duyệt nội dung, kịch bản đối với game G1 (game có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp), trong hồ sơ thông báo cung cấp dịch vụ game G2, G3 và G4 (G2 là game chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ, G3 là game có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không tương tác với máy chủ, G4 là game được tải về qua mạng và người chơi không có sự tương tác với nhau lẫn với máy chủ).

Quản lý thông tin cá nhân người chơi.

Về quản lý thông tin cá nhân người chơi, Thông tư 24 nêu rõ, khi tạo tài khoản sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử G1, người chơi phải cung cấp những thông tin cá nhân gồm: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ đăng ký thường trú; số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp người chơi dưới 14 tuổi và chưa có CMND hoặc hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp của người chơi quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của mình để thể hiện sự đồng ý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký đó. Thông tư 24 quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game G1 phải lưu giữ các thông tin cá nhân người chơi trong suốt quá trình người chơi sử dụng dịch vụ và trong 6 tháng sau khi người chơi ngừng sử dụng dịch vụ. Cùng với đó, phải triển khai hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu CMND hoặc hệ thống mã số cá nhân quốc gia theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để xác thực thông tin của người chơi. Về điều kiện để được cung cấp dịch vụ game G1, ngoài các điều kiện về tổ chức, nhân sự, doanh nghiệp game còn phải đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật.

Đáng chú ý, về điều kiện để được cung cấp dịch vụ game G1, ngoài các điều kiện về tổ chức, nhân sự, DN game còn phải đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật. Cụ thể, hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ game online của DN phải có khả năng lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân của người chơi; hệ thống quản lý thanh toán cho các trò chơi điện tử của DN phải đặt tại Việt Nam và kết nối với các DN cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán của Việt Nam, bảo đảm cập nhật, lưu trữ chính xác, đầy đủ và cho phép người chơi có thể tra cứu được thông tin chi tiết về tài khoản thanh toán của mình.

Bên cạnh đó, hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ game online của DN còn phải đáp ứng được yêu cầu quản lý thời gian chơi của người chơi từ 0h - 24h hàng ngày và bảo đảm tổng thời gian sử dụng tất cả các trò chơi điện tử G1 của một DN với mỗi người chơi dưới 18 tuổi không quá 180 phút trong 24 giờ mỗi ngày; phải hiển thị được kết quả phân loại game online theo độ tuổi đối với tất cả các game do DN cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo game, cung cấp dịch vụ game online; đồng thời có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị của người chơi trong suốt quá trình chơi.

Thông tư 24 cũng quy định, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online có nghĩa vụ quản lý vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử theo đúng quy tắc trò chơi đã công bố và phù hợp với nội dung, kịch bản trò chơi đã được phê duyệt. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử. Không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau.

Ngoài ra, để được cung cấp game G1, các DN game online còn phải có phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ, quyền lợi của người chơi; có biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý nội dung diễn đàn game (nếu có), tuân thủ theo quy định tại Thông tư 09/2014/TT-BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ TT&TT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội; có phương án dự phòng về thiết bị và kết nối, phương án sao lưu dữ liệu để bảo đảm an toàn hệ thống khi có sự cố xảy ra; cũng như có phương án bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bí mật thông tin cá nhân của người chơi.

An Nhiên (Tổng hợp)