Sim rác vẫn bán tràn lan từ cửa hàng đến mạng xã hội

11:02, 21/11/2023

Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất kiên quyết vào cuộc với mục tiêu làm sạch thông tin thuê bao… nhưng tình trạng mua bán, chuyển nhượng sim rác điện thoại vẫn diễn ra khá nhộn nhịp từ các cửa hàng đến chợ mạng.

Quá dễ để mua sim rác

Các đợt thanh tra gần đây cho thấy tình trạng đứng tên hộ sim chủ yếu liên quan đến các đại lý. Bộ TTTT đã làm việc với các nhà mạng, yêu cầu chấn chỉnh việc này, từ ngày 10/9 vừa qua các nhà mạng cam kết dừng hoạt động đại lý phát triển thuê bao, chỉ tập trung vào kênh chuỗi có uy tín. Nhà mạng nào vi phạm, Bộ sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 14/2022 - đình chỉ doanh nghiệp phát triển thuê bao từ 3 - 12 tháng, tùy theo mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, kể từ ngày 10/9, nhiều người tiêu dùng vẫn dễ dàng tìm mua được sim rác trên thị trường. Để khảo sát tình trạng này, trong vai một người có nhu cầu mua sim về cho bố dùng, phóng viên vào một cửa hàng bán các phụ kiện điện thoại trên phố Tô Hiệu, Hà Đông (Hà Nội). Tại đây, người chủ cửa hàng nói ngay: “Ở đây chỉ có sim thường chứ không có sim số đẹp đâu anh nhé”.

Không khó khăn gì để mua được sim rác trên phố Tô Hiệu (Hà Đông, Hà Nội).

Sau khi xem 1 loạt sim, phóng viên thắc mắc: “Sim này có dùng được lâu dài không” thì người bán hàng trả lời: “Thường thì sim này chỉ dùng tạm thời thôi, cho những người có nhu cầu dùng trong thời gian ngắn. Chứ nếu chị mua sim cho bố chị dùng lâu dài thì chị phải ra các đại lý của Viettel, mang theo cả căn cước công dân để đăng ký”. Theo lời người bán hàng, những chiếc sim như thế này được bán với giá là 150 nghìn đồng. Hiện tại cửa hàng đang bán 2 loại sim Vinaphone và Mobiphone.

Tương tự, tại một cửa hàng trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội), người bán hàng tại đây cho biết hiện cửa hàng đang bán loại sim Vietnammobile đã kích hoạt sẵn. Người này nói rằng, số sim bán ra đã hoàn tất mọi thủ tục theo yêu cầu của nhà mạng, khách hàng khi mua về chỉ cần lắp vào máy là có thể sử dụng.

Khi phóng viên tỏ ra lo lắng về việc dùng sim không chính chủ có thể bị khóa, nhân viên cửa hàng cam kết sim chỉ bị khóa khi không phát sinh cước cuộc gọi trong vòng 30 ngày. Sim kích hoạt sẵn bán tại đây có giá 120.000 đồng/sim Vietnamobile. Nhân viên này cho hay, khách hàng không có quyền chọn số thuê bao mà mua sim nào về sẽ sử dụng sim đó. Trước thắc mắc của khách hàng về việc không được chọn số, người này nói: “Tất cả đều là sim rác, nên nó mới rẻ. Sim rác thì số nào chả như nhau”.

Sim rác phóng viên mua được tại một cửa hàng ở quận Đống Đa.

Không chỉ bán sim đã kích hoạt, mà một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại ở quận Đống Đa còn bán rất nhiều sim trắng của nhà mạng. Nếu mua loại sim này, khách hàng chỉ cần cung cấp căn cược công dân là cửa hàng sẽ giúp kích hoạt sim. Khi được hỏi vì sao giá sim bây giờ lại cao vậy thì người bán hàng trả lời rằng: “Ngày xưa anh đến cửa hàng nào cũng có thể mua được sim nhưng bây giờ thì khác. Không phải cửa hàng nào cũng dám bán sim thế này, như chúng em bán đây cũng chỉ là bán chui thôi”.

Sim rác không chỉ được bán tại các cửa hàng mà còn được rao bán tràn lan trên mạng, các sàn thương mại điện tử. Chỉ cần gõ từ khóa “mua sim” lập tức hàng chục địa chỉ web giới thiệu: Sim Viettel gọi, nghe giá rẻ; Sim Vietnammobile chuyên tạo tài khoản facebook, zalo; Sim 4G Vietnamobile số đẹp vào mạng thả ga...

Một shop trên Lazada giới thiệu sim nhà mạng Vietnamobile đã kích hoạt sẵn, giá chỉ 26.000 đồng, với gói ưu đãi “khủng” như: có 5G data/ngày, nghe gọi miễn phí trong 20 ngày đầu… Hay sim nhà mạng Mobifone có giá chỉ 90.000 đồng với hàng loạt gói cước như có 4G data/ngày, nghe gọi miễn phí…

Sim số cũng bán rất nhiều trên Lazada.

Trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook thị trường sim rác nhộn nhịp như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Chỉ cần gõ “mua sim” có thể cho ra hàng nghìn hội nhóm mua bán, trao đổi sim. Trên một nhóm “Mua bán sim” có 14,5 nghìn thành viên liên tục có những trạng thái mua và bán. Một trạng thái có tên “Chung Hà Đông” đăng tải list những sim tứ quý 1, cùng với lời chào hấp dẫn: “List sim tứ quý 1 đây, đảm bảo hoạt động trơn chu, giá cả phải chăng. Ai có nhu cầu xin liên hệ số điện thoại 0975xxxx”.

Tiếp tục khảo sát tại một nhóm mua bán sim có tên “sim đẹp” với khoảng 40.000 thành viên. Tại đây có không ít bài đăng ngỏ ý cần mua sim đã kích hoạt sẵn với lý do “không rành việc kích hoạt”. Dưới mỗi bài đăng là hàng chục bình luận từ nhiều người kinh doanh sim online.

Việc mua bán tran lan sim rác trên mạng xã hội vẫn diễn ra bình thường.

Theo chia sẻ của người bán, nếu khách mua số lượng lớn, người mua phải đặt cọc trước. Bù lại, cửa hàng sẽ bao ship đến tận nhà. “Bây giờ làm ăn khó lắm, làm không kín đáo ăn phạt như chơi”, Hòa cho biết thêm.

Theo thống kê, trong số 1,5 triệu sim được bán ra thị trường gần đây, có tới 80% phát hành qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng, 10% được bán trực tiếp từ nhà mạng qua các cửa hàng giao dịch và 10% qua kênh chuỗi gồm các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn. Trong số đó, kênh đại lý được đánh giá là nguồn tạo ra nhiều sim không chính chủ nhất.

Mệt mỏi với các cuộc gọi rác

Việc mua bán sim rác vẫn tồn tại sẽ là cơ hội cho các cuộc gọi rác, lừa đảo diễn ra liên tục. Hiện tượng các cuộc gọi để quảng cáo mua bán căn hộ, bán gói nghỉ dưỡng, cho vay tiêu dung… vẫn tràn lan mỗi ngày.

Theo ghi nhận từ Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam cho thấy, năm 2022 có 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với hai loại hình chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân, 24,4%, là bước đệm để “lên kịch bản” thực hiện lừa đảo tài chính, chiếm 75,6%. Cho đến 6 tháng đầu năm nay, số vụ lừa đảo trực tuyến tăng 65% so cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ bị làm phiền, thậm chí khi chủ thuê bao có phản ứng với các cuộc gọi lừa đảo còn bị đối tượng có thái độ xúc phạm. Điều này khiến không ít người cảm thấy bức xúc, hoang mang. Anh Lê Văn Thịnh (Phú Đô, Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Chưa khi nào tôi ám ảnh khi có điện thoại như hiện nay. Bình thường một ngày tôi nhận được vài cuộc gọi, giới thiệu đến từ công ty du lịch A, người giới thiệu trải nghiệm mỹ phẩm, trải nghiệm sản phẩm ngũ cốc, mời gia sư cho con, rồi chơi chứng khoán…thậm chí còn có cả cuộc gọi giới thiệu dịch vụ tự động qua tổng đài. Tôi nghĩ cơ quan quản lý cần sớm xử lý tình trạng này để tránh làm phiền tới người dân”.

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT).

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT), cho biết thực tế, tin nhắn rác, cuộc gọi rác có thể bị phát tán từ cả các thuê bao chính chủ và các thuê bao không chính chủ. Để ngăn chặn các thuê bao không chính chủ, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) viễn thông di động đã triển khai các biện pháp eKYC (xác thực điện tử), video call (xác thực qua video) nhằm bảo đảm thuê bao phát triển mới phải đúng là có thực. Các thuê bao này phải trùng khớp giữa thông tin của người đến đăng ký với thông tin trên giấy tờ, từ đó hạn chế tối đa tình trạng thông tin thuê bao không chính xác.

Ngoài ra, nhà chức trách cũng đã yêu cầu các DN viễn thông loại bỏ 12,5 triệu sim không chính chủ trên hệ thống. Đây là các sim mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.

Để ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, Cục Viễn thông cho rằng cần có sự chủ động vào cuộc của cơ quan, tổ chức có liên quan và chính người dân. Theo đó, các cơ quan, tổ chức như trường học, ngân hàng, bệnh viện cần chủ động phổ biến các số điện thoại và kênh liên lạc chính thống đến người sử dụng. Bộ Công thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng cần có các biện pháp xử lý, ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị cung ứng dịch vụ, sản phẩm khi thực hiện quảng cáo qua các kênh không được phép.

Các tin nhắn, cuộc gọi rác, lừa đảo không chỉ ảnh hưởng đến người nghe, mà còn đe dọa đến sự riêng tư và an ninh của người sử dụng. Theo các chuyên gia, nếu nhận ra cuộc gọi rác, người dân nên ngắt cuộc gọi để tránh mất thời gian hoặc nhận được thái độ, cư xử thiếu văn hóa. Điều này cũng giúp giảm việc tiếp xúc với kẻ có ý đồ xấu, hạn chế nguy cơ bị dẫn dụ vào nhóm lừa đảo, thao túng tâm lý, gây thiệt hại về tài chính và dữ liệu cá nhân.

Theo Tạp chí Thương trường

(https://thuongtruong.com.vn/news/sim-rac-van-ban-tran-lan-tu-cua-hang-den-mang-xa-hoi-112229.html)